Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cảnh giác tình trạng lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, các đối tượng FULRO lưu vong tiếp tục lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số bộ phận người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Phú Thiện để lôi kéo, kích động, lừa phỉnh vượt biên sang Campuchia, Thái Lan. Các cơ quan, ban, ngành địa phương đang cùng vào cuộc tuyên truyền người dân không vượt biên; đồng thời vận động những người vượt biên quay trở về địa phương sinh sống.
Nỗi buồn người ở lại
Theo thông tin từ Công an huyện Phú Thiện, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 43 người DTTS tại một số xã vượt biên sang Campuchia. Trong đó, riêng xã Ia Piar có đến 20 trường hợp (10 người lớn và 10 trẻ em) bị lôi kéo, dụ dỗ vượt biên. Chỉ vì nhẹ dạ, cả tin vào những lời lừa phỉnh của kẻ xấu, nhiều người đã bán hết tài sản vượt biên sang Campuchia rồi sang nước thứ 3 để mong được đổi đời. Nhưng mọi thứ không giống như những lời đồn thổi. Cuộc sống hiện tại của những người vượt biên đang rất khó khăn. Họ bị bỏ rơi nơi đất khách quê người và không hề nhận được sự giúp đỡ nào như lời hứa của các đối tượng FULRO lưu vong. Để có tiền sinh sống, một số thanh niên phải đi làm chui các công việc như: phụ hồ, sửa nhà, làm cỏ… Còn số trẻ em và người già sống nhờ vào trợ cấp của Liên hợp quốc hoặc đi xin cơm ở các chùa, nhà thờ.
  Tuyên truyền giúp người dân cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Ảnh: Nguyễn Sang
Tuyên truyền giúp người dân cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Ảnh: Nguyễn Sang
Hơn 3 tháng đã trôi qua nhưng anh Nay Suir (thôn Rbai A, xã Ia Piar) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin mẹ vợ dắt theo đứa con trai đầu của anh vượt biên qua Campuchia rồi trốn sang Thái Lan. Vợ chồng anh luôn trong trạng thái thấp thỏm lo âu ngóng trông tin tức về đứa con trai yêu dấu. “Mẹ vợ tôi đã lớn tuổi, còn bị tai biến chân đi khập khiễng nhưng không hiểu sao lại nghe theo lời kẻ xấu dẫn con trai tôi vượt biên. Vợ chồng tôi có 3 đứa con, nó là con trai đầu, nếu giờ ở nhà thì cháu đã vào lớp 8 rồi. Vợ chồng tôi đang tìm mọi cách để liên lạc và giúp cháu trở về với gia đình”-anh Suir buồn bã nói.
Tương tự, ông Nay Thó (thôn Rbai A) có con gái cùng chồng và 4 đứa con bị dụ dỗ vượt biên sang Campuchia rồi trốn sang Thái Lan nhiều tháng nay. “Tôi rất buồn khi biết cuộc sống ở trại tị nạn bên ấy rất khổ cực, đói khát và phải lao động vất vả để kiếm ăn hàng ngày. Mấy đứa cháu cũng không được học hành. Ở đây, đất vườn không thiếu, sao vợ chồng nó mê muội vào những lời dụ dỗ, mơ tưởng đến cuộc sống giàu sang mà không cần phải lao động. Tôi mong sao liên lạc được để khuyên vợ chồng nó trở về. Chính quyền địa phương sẽ tạo cơ hội cho làm ăn”-ông Nay Thó cho biết.
Ông Phạm Văn Phương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar-cho biết: Đối tượng chủ chốt thường xuyên lôi kéo, dụ dỗ người DTTS trên địa bàn vượt biên  là Siu Wil (tên thường gọi là Ama Lư, SN 1977, ở thôn Rbai B). Đối tượng này có tiền án 10 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” và mới ra tù tháng 9-2017. Sau khi chấp hành án phạt tù trở về, Siu Wiu đã được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện như: cho vay vốn ngân hàng, cấp phát bò, giúp tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, với bản tính lười lao động, Siu Wiu đã vượt biên rồi trốn sang Thái Lan và tìm cách móc nối, dụ dỗ, lôi kéo 15 người khác tại thôn Rbai A, Rbai B và Ksing B vượt biên để kiếm tiền hoa hồng. Mỗi trường hợp vượt biên rồi trốn sang Thái Lan thành công, Siu Wiu sẽ nhận được 2,7 triệu đồng tiền công chỉ đường.
Tuyên truyền, vận động người dân trở về
Trước thực trạng người dân trên địa bàn bị dụ dỗ, lôi kéo vượt biên, Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar cho biết đã chỉ đạo, phân công Mặt trận và các đoàn thể trực tiếp bám nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền phòng-chống vượt biên trong đồng bào DTTS. Đồng thời, xã thông qua việc tiếp cận những người thân trong gia đình vận động những người đang ở nước ngoài quay trở về địa phương làm ăn sinh sống.
Trao đổi với P.V, Đại tá Lê Quang Trung-Trưởng Công an huyện Phú Thiện-cho biết: Trước tình hình trên, Công an huyện đã chủ động tham mưu Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng-chống tình trạng một số người dân bị các đối tượng xấu lôi kéo vượt biên. Hiện chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền giúp người dân nhận biết được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đặc biệt là các luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Chúng tôi cũng thông tin rõ thực trạng đời sống khó khăn, khổ cực của những người vượt biên đang bị bỏ rơi, đói khổ ở Campuchia và Thái Lan.
“Thời gian tới, thông qua các buổi tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các thôn, làng, chúng tôi sẽ giúp người dân cảnh giác hơn trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, không tin theo lời tuyên truyền, xúi giục để vượt biên. Đồng thời, chúng tôi mong muốn các gia đình có người vượt biên tiếp tục vận động con em mình quay trở về địa phương sinh sống. Chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ làm ăn, sinh sống”-Đại tá Lê Quang Trung cho biết thêm.
Nguyễn Sang

Có thể bạn quan tâm