Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cảnh giác với năm "chu kỳ" của dịch sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự lường tình hình sốt xuất huyết (SXH) có thể bùng phát theo chu kỳ từ 3 đến 5 năm một lần, ngành Y tế Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị vật tư, hóa chất… sẵn sàng ứng phó, không để “dịch chồng dịch” trên địa bàn.
Cao điểm của dịch SXH thường vào các tháng mùa mưa (từ tháng 4 đến 11). Năm 2019, Gia Lai ghi nhận 11.404 ca SXH, trong đó có 2 ca tử vong. Bệnh xảy ra tại 195 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Năm 2020, số ca mắc SXH giảm còn 3.457 trường hợp; năm 2021 giảm còn 1.048 ca; 2 năm qua không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Nếu tính theo chu kỳ lây nhiễm 3 năm thì có khả năng bệnh SXH sẽ trở lại trong năm nay.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 100 ca mắc SXH, không có trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra tại 13 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc là huyện Chư Prông, Ia Pa và Đức Cơ. Trung tâm chỉ đạo các địa phương có trường hợp mắc bệnh triển khai hoạt động phòng-chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát trường hợp mắc bệnh và theo dõi tình hình chặt chẽ. 
Từ đầu tháng 2 đến nay, Bệnh viện Nhi tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho gần 10 ca SXH. Tuy chưa phải vào mùa cao điểm của dịch bệnh nhưng việc ghi nhận SXH ở trẻ nhỏ là điều đáng lo ngại cùng với nguy cơ gia tăng ca mắc thời gian tới nếu không chủ động phòng-chống dịch. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ân (thôn Đông Hà, thị trấn Chư Prông) cho hay: Thấy con sốt cao liên tục nên gia đình đưa cháu đi bệnh viện mới biết là bị SXH. Cán bộ y tế thị trấn vẫn thường tuyên truyền nhắc nhở người dân vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng để phòng-chống SXH. Tuy vậy vẫn còn một số người có tâm lý chủ quan, lơ là. Còn anh Thái Quang Vinh (thôn Ia Khưng, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) thì cho biết: “Con tôi sốt cao phải nhập viện và bác sĩ chẩn đoán cháu bị SXH. Địa phương tôi ở đã có trường hợp mắc SXH. Nói chung, người dân có ý thức phòng-chống bệnh và chính quyền địa phương cũng quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở ngủ phải mắc màn, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng”.
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục thì cần đưa đi khám kịp thời tránh các biến chứng nặng của bệnh SXH. Ảnh: Như Ý
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục thì cần đưa đi khám kịp thời tránh các biến chứng nặng của bệnh SXH. Ảnh: Như Ý
Dự lường tình hình dịch SXH sẽ có khả năng bùng phát theo chu kỳ, Bệnh viện Nhi tỉnh cũng đã chuẩn bị các điều kiện thu dung, điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Mới-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới-cho hay: “Khoa luôn trong tình thế chủ động, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đối phó dịch. Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ khá nguy hiểm vì có nhiều biến chứng như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tay tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong. Hiện nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể bùng phát thành dịch, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị nên phải chú trọng phòng ngừa”.
Theo bác sĩ Mới, đối với thể nhẹ, người mắc bệnh SXH thường có các dấu hiệu sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội, thường đau ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi. Ở thể nặng ngoài bao gồm các dấu hiệu trên có kèm theo dấu hiệu xuất huyết như: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng… “Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện sốt cao liên tục thì nên đưa đi khám để bác sĩ can thiệp kịp thời. Các gia đình cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Muỗi truyền bệnh SXH thường đốt người vào ban ngày nên khi ngủ người dân phải mắc màn”-bác sĩ Mới khuyến cáo.
Đối với ngành Y tế tỉnh, song song với công tác phòng-chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trong đó có SXH đã được triển khai chặt chẽ. Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-thông tin: Trung tâm hướng dẫn các trung tâm y tế tuyến huyện chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, SXH…, mục tiêu chung là không để “dịch chồng dịch”. Bên cạnh đó, Trung tâm chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, các phương tiện, trang-thiết bị cần thiết sẵn sàng phục vụ công tác phòng-chống dịch. Để phòng-chống bệnh SXH một cách hiệu quả nhất thì người dân cần diệt muỗi, lăng quăng và giữ gìn vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm