Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Câu chuyện giáo dục: Đổi mới tư duy về môn Toán

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thế hệ học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi Toán quốc tế, khiến nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ, trong đó có những tên tuổi khá nổi tiếng mà đỉnh cao là nhà Toán học Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields năm 2010. Nhân tài Toán học Việt Nam không thiếu nhưng vì sao nhiều thập kỷ qua không có các nhà khoa học và những công trình sáng tạo có nền tảng từ Toán để giúp cho đất nước phát triển? Có người nghi ngờ rằng, chúng ta chỉ giỏi rèn “gà chọi” thi thố với thiên hạ để lấy danh, còn sau đó thì nguội tắt niềm đam mê sáng tạo nên không thể vượt vũ môn để hóa rồng.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong hội thảo “Toán học không xa cách” mới đây, các nhà khoa học Việt Nam đã đặt vấn đề về mục tiêu và phương pháp giáo dục môn Toán ở các trường học nước ta đang có xu thế xa rời thực tế, hướng các thế hệ học sinh đi vào những lý thuyết xa vời, không thiết thực với cuộc sống đang đòi hỏi nên cần chấn chỉnh và đổi mới tư duy đối với việc giảng dạy và nghiên cứu Toán học. Giáo sư Đỗ Đức Thái-Tổng Chủ biên môn Toán trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã khái quát mục tiêu của việc cải cách chương trình môn Toán trong tương lai gần là: “Tinh giảm, thiết thực, hiện đại, sáng tạo”. Trên tinh thần này, những chương trình Toán phổ thông, phần nào không thiết thực, không đem lại lợi ích trong việc phát triển tư duy cho học sinh thì bị loại bỏ với phương châm là học Toán để mưu sinh chứ không để thi cử. Trước đó, tại buổi tọa đàm “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3,141592654…”, các nhà khoa học đã đưa ra một thông điệp khá ấn tượng là “Các nhà toán học Việt Nam phải biết cách làm ra tiền!”. Các thành viên trong buổi tọa đàm này đã dẫn ra lợi thế của việc vận dụng Toán học vào các ngành kinh tế, cũng như các ngành khoa học khác mà nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công như: Singapore, Hàn Quốc… giúp cho họ phát triển một cách mạnh mẽ. Các nước nhìn nguồn nhân lực có tiềm năng về Toán học của Việt Nam mà “thèm” và họ đã có nhiều chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” để thu hút chất xám về mình.

“Phải gắn Toán với việc tạo ra kinh tế”-đó là khát vọng chân thành, dù muộn nhưng còn hơn không làm gì; cứ “tự vỗ ngực” với những tấm huy chương để rồi các nhân tài Toán học mãi lơ lửng giữa tầng không mà chúng ta vẫn muôn đời đi chân đất… Tôi đồng tình với quan điểm học Toán không phải để đi thi mà biến nó thành “cần câu cơm” sau này. Có nhiều bài Toán luyện thi hay đề thi Toán quá xa rời thực tế, học sinh sau khi giải xong để rồi cả đời không biết vận dụng vào việc gì và nhanh chóng bị lãng quên trong đời sống thường nhật đầy sinh động so với lý thuyết khô cứng ấy. Do vậy, lần cải cách này, mỗi đơn vị kiến thức Toán được đưa vào chương trình phải trả lời được câu hỏi: Học để làm gì? Đó là sự tiến bộ đáng kể trong tư duy của những nhà cải cách.

Tôi nghĩ, trên tinh thần đổi mới “Toán học không xa cách”, các môn học khác ở phổ thông trong chương trình tổng thể sắp đến cũng phải dựa vào nền tảng tư duy đó để đổi mới cách dạy và học, trên cơ sở tiếp cận sáng tạo, có khả năng nhìn thấy và giải quyết được vấn đề. Nói như Socrates: “Giáo dục không phải đổ đầy bình mà là châm một ngọn lửa”.

Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm