Báo xuân

Cây đa di sản làng Ghè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-11-2016 là ngày mà dân làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) tràn ngập niềm hân hoan khi cây đa trăm tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
 

Dưới gốc đa làng Ghè. Ảnh: Đ.H
Dưới gốc đa làng Ghè. Ảnh: Đ.H

Từ xa, ngôi làng nhỏ hiện ra đúng như bản chất hiền hòa, yên bình vốn có của nó. Những con dốc đổ dài với rừng cao su thẳng tít tắp hai bên đường đưa chúng tôi đến gần hơn với “mục tiêu” của chuyến đi. Từ sáng sớm, bà con đã tập trung về chỗ cây đa cổ thụ để chờ đón sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của làng. Vẻ rạng ngời hiện rõ trên gương mặt từ người già đến trẻ nhỏ.

Người làng Ghè bảo rằng, họ không biết cây đa này do ai trồng và được trồng tự bao giờ, chỉ biết nó soi bóng bên giọt nước hơn 2 thế kỷ qua. Với họ, cái cây ấy chẳng khác gì một vị thần có sức sống dẻo dai, ngày ngày giữ đất, giữ nguồn nước cho làng.


 

Thiếu nữ Jrai bên giọt nước. Ảnh: Đ.H
Thiếu nữ Jrai bên giọt nước. Ảnh: Đ.H

Già làng Puih Hyom đã đi qua 80 mùa rẫy, tay chân không còn nhanh nhẹn, đôi mắt cũng chẳng còn được tinh anh. Thế nhưng khi nhắc đến cây đa cổ thụ giữa làng, mắt già sáng bừng lên và giọng hào sảng hẳn: “Khi còn nhỏ, chúng tôi thường vui đùa dưới gốc cây. Lúc ấy cây đã to lắm, che bóng mát cả một góc làng. Thời kháng chiến, cây đa này chính là nơi bộ đội chọn để dừng chân, vì tán lá rộng che phủ nên kẻ địch không nhìn thấy”.

Nơi làng Ghè này, cuộc sống bình dị hàng ngày vẫn trôi qua dưới những tán cây đa. Giọt nước mát cạnh bên vẫn tuôn trào dòng chảy để các bà, các mẹ trong làng đến lấy mỗi buổi sáng sớm hay chiều về. Là nơi bọn trẻ con tắm táp, đùa nghịch; là chốn nghỉ chân dọc đường của người làng sau hàng giờ mệt nhoài trên nương rẫy… Khi làng có hội, mọi người lại cùng nhau tề tựu dưới tán cây, vít cong cần rượu, ngân nga câu hát Jrai truyền thống rồi hòa mình cùng tiếng cồng tiếng chiêng ngân vang và những điệu xoang uyển chuyển. Tất cả đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người con làng Ghè, để hóa thành tình yêu thiêng liêng với gốc đa cổ thụ. Vì thế, vào tháng 11 hàng năm, dân làng lại dành ra 3 ngày để soạn mâm lễ cúng tế thần linh tại gốc cây đa, cầu mong cho cây luôn xanh tươi, cho giọt nước của làng không bao giờ khô cạn và đời sống mãi mãi no ấm, thuận hòa.

Một điều thú vị nữa đó là người làng Ghè dù không giàu có, song đi đến đâu, họ cũng `1đều tự hào khoe về cây đa cổ thụ cao to rợp bóng của làng mình. Và nay, niềm tự hào ấy càng được nhân lên gấp bội bởi cây đa làng Ghè giờ đã trở thành cây di sản Việt Nam. “Các già làng kể lại rằng, cây đa này do ông cha ngày trước trồng với mong muốn mang đến sự thịnh vượng, trường tồn cho buôn làng và để con cháu sau này được hưởng bóng mát. Chúng tôi hứa sẽ luôn gìn giữ và bảo vệ cây”-anh Rơ Lan Nhin-một thanh niên của làng Ghè phấn khởi nói.

 

Lễ hội mừng cây đa làng Ghè được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Ảnh: Đ.H
Lễ hội mừng cây đa làng Ghè được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.   Ảnh: Đ.H

Phát biểu tại lễ công nhận “Cây di sản Việt Nam”, ông Nguyễn Điểu-Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá: “Cây đa làng Ghè đặc biệt quý hiếm, có những dấu ấn lịch sử-văn hóa lâu đời của địa phương nên được công nhận là cây đa di sản. Cây là bóng mát, là điểm tựa tinh thần cho những người đầu tiên đến đây lập làng làm rẫy và đây cũng là một thực thể sống duy nhất chứng kiến suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này”.

Trong niềm hân hoan lan tỏa, người dân làng Ghè cùng nắm tay nhau múa hát bên nhịp cồng chiêng dưới tán cây đa. Và họ cũng mừng vui khi hiểu rằng, từ nay, cây đa này không chỉ quý giá với riêng mỗi làng Ghè nữa mà nó còn là niềm tự hào, là “báu vật” mà cả xã Ia Dơk nói riêng và huyện Đức Cơ nói chung.

Đỗ Hằng

Có thể bạn quan tâm