Thời sự - Bình luận

Nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo cáo tại hội nghị toàn tỉnh tổng kết công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ghi nhận: Trong năm 2021, tổng số tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là 17 tỷ đồng; đã thu hồi trên 4,7 tỷ đồng (đạt 27,89%), còn lại phải thu hồi trên 12,2 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì tỷ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng còn thấp.

Trao đổi với người viết bên lề hội nghị, lãnh đạo một cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực này cho rằng hiện vẫn còn nhiều yếu tố “gây khó” đối với công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng. Trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, kiểm sát việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng còn mang tính nguyên tắc; chưa cụ thể, để chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng; nhiều quy định còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi. Trong khi đó, thủ đoạn che giấu, tẩu tán tài sản của các đối tượng tham ô, tham nhũng ngày càng tinh vi và có thể được tiếp tay một cách vô tình hoặc cố ý bởi một số người trong các cơ quan làm công tác phòng-chống tham nhũng.

Có thể khẳng định, việc nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là vấn đề cốt lõi trong công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Chính vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đề nghị các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trước tiên, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng-chống tham nhũng.

Để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác này, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Giải pháp tiếp theo là nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

Một trong những giải pháp then chốt được Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện là tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác phòng-chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng buộc phải phấn đấu thực hiện để cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực đi vào thực chất và để hành vi tham nhũng, tiêu cực được ngăn chặn từ trong trứng nước.

 

 DUY LÊ
 

Có thể bạn quan tâm