Bạn đọc

Mong một mùa ớt... "không cay"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cho đến nay, chưa có một thống kê nào đáng tin cậy về diện tích ớt của cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng. Cây ớt chưa được nhiều địa phương quan tâm đưa vào quy hoạch và có kế hoạch phát triển ổn định như một loại cây hàng hóa ngắn ngày. Những năm gần đây, ớt được bà con nông dân đầu tư phát triển theo cách riêng của họ, thị trường khá bấp bênh. Tuy có những vụ được mùa, được giá nhưng loại cây trồng này cũng không thoát khỏi “quy luật” nghiệt ngã của thị trường: Được mùa mất giá, được giá mất mùa.
  Vợ chồng anh Huỳnh Văn Hòa tưới nước cho vườn ớt. Ảnh: Đ.M.P
Vợ chồng anh Huỳnh Văn Hòa tưới nước cho vườn ớt. Ảnh: Đ.M.P
Khi chuyển dịch cơ cấu đầu tư, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chú ý nhiều đến một số loại cây nông nghiệp hàng hóa như: chanh dây, chuối cao sản, ớt... Tuy thế, mới đây, tập đoàn này đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư hàng năm, trong đó giảm diện tích ớt từ 1.000 ha xuống còn trên 600 ha. Là một tập đoàn lớn, đầu tư vào lĩnh vực nào, cây trồng, vật nuôi gì, chắc chắn họ có sự tính toán, trong đó thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm là điều cốt yếu. Trong khi đó, bà con nông dân lại liên tục đầu tư phát triển cây ớt. Theo một số hộ có kinh nghiệm trồng ớt lâu nay thì loại cây này 1 năm trồng được 2 vụ, vụ Đông Xuân và Hè Thu, chỉ sau chưa đầy 3 tháng là cho thu hoạch và thu hoạch kéo dài đến 4-5 tháng sau. Nếu được mùa, mỗi sào ớt có thể thu hoạch được 1,4-1,5 tấn quả. Và nếu được giá thì mỗi ký ớt cũng bán được 35-45 ngàn đồng.
Tại Gia Lai, theo số liệu từ báo chí thì tổng diện tích ớt các vụ trong mấy năm lại đây bình quân khoảng 2.000 ha. Riêng các địa phương phía Đông diện tích ớt chiếm trên 50% của toàn tỉnh, trong đó, huyện Đak Pơ có diện tích dẫn đầu với gần 500 ha (vụ chính 2018). Ở vùng này, nhiều hộ đầu tư thâm canh tốt nên năng suất cũng đạt kỷ lục (1,8-2 tấn/sào) và giá vụ vừa rồi dao động trong khoảng 30-35 ngàn đồng/kg nên bà con trồng ớt thu nhập khá so với một số cây trồng khác.
Tôi dạo quanh một số vùng chuyên canh cây ớt ở xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), bà con nông dân cho biết: Năm vừa qua, Phù Mỹ được coi là “thủ phủ ớt” của Bình Định với diện tích trên 1.200 ha. Trong đó, xã Mỹ Tài và Mỹ Hiệp có diện tích cao nhất với gần 500 ha. Vụ Đông Xuân này, bà con ở Phù Mỹ tiếp tục “bám trụ” cây ớt với hy vọng một mùa ớt... “không cay”. Thế nhưng, liệu với thị trường “tự do” như hiện nay, mong muốn của bà con nông dân có được toại nguyện? Trao đổi với anh Huỳnh Văn Hòa (thôn Tú Dương, xã Mỹ Hiệp) về điều này, anh bảo: “Hên xui thôi, biết sao được. Năm ngoái, đầu vụ giá khá cao, tới 30-35 ngàn đồng/kg, cuối vụ chỉ còn 4-5 ngàn đồng/kg. Nếu không trồng ớt thì đất cũng bỏ không, vụ Đông Xuân thì trồng trên đất gò, ra Giêng sẽ trồng cả trên đất ruộng. Đầu tư trồng ớt cũng không nhiều tiền lắm, may thì nhờ, rủi thì... coi như lấy công làm lời là quý lắm rồi”.
 Dù còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường, song cây ớt hiện vẫn giúp nông dân có nguồn thu nhập từ việc tận dụng diện tích đất có thể xen canh, luân canh, gối vụ... Vì vậy, thiết nghĩ, chính quyền cần quan tâm đến quy hoạch, có kế hoạch, vận động nông dân trồng theo quy hoạch, kế hoạch, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm. Không thể bỏ mặc cho nông dân đầu tư theo kiểu... phong trào, chịu nhiều rủi ro như hiện tại!
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm