Kinh tế

Nhân rộng cánh đồng mía lớn trong vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những hạn chế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số là thói quen, tập quán sản xuất theo lối truyền thống, quảng canh, manh mún, năng suất thấp. Từ những thành công của các cánh đồng mía lớn đã triển khai thực hiện, huyện Đak Pơ đã tích cực vận động các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia mở rộng cánh đồng mía mẫu lớn để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Làng Bút (xã An Thành, huyện Đak Pơ) có 113 hộ đều là người Bahnar. Đây là ngôi làng dân tộc thiểu số đầu tiên của huyện triển khai cánh đồng mía lớn với diện tích 32 ha của 22 hộ tham gia. Nhờ thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bón phân, chăm sóc nên sau 9 tháng xuống giống, mía phát triển tốt, năng suất ước đạt khoảng 100 tấn/ha. Hơn hết là thông qua mô hình, bà con thấy được hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó thay đổi được tư duy, cách làm cũ, mạnh dạn chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía thâm canh, cho lợi nhuận kinh tế cao hơn. Dự kiến, sắp tới xã An Thành sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích cánh đồng này thêm 30 ha.

 

Huyện Đak Pơ tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia mở rộng cánh đồng mía mẫu lớn (ảnh minh họa).
Huyện Đak Pơ tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia mở rộng cánh đồng mía mẫu lớn (ảnh minh họa).

Gia đình anh Đinh Kheo (làng Bút, xã An Thành) năm nay góp 3,2 ha đất tham gia cánh đồng mía lớn của làng. Theo anh Kheo, những năm trước, khi trồng mía theo phương thức truyền thống, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu được khoảng 60 triệu đồng từ 3,2 ha mía. Nhưng năm nay thì khác, mía của gia đình anh được đánh giá là đều và đẹp nhất cánh đồng. Anh Kheo vui vẻ nói: “Trước kia trồng bình thường, bỏ ít phân nên mía xấu lắm. Bây giờ làm cánh đồng lớn, bón phân nhiều, có cả phân bùn nên mía tốt, cao và to đều. Bà con mừng lắm”.

Ông Đinh Vong (người cùng làng) gật gù đồng tình khi nghe anh Kheo nói bởi năm nay, hơn 1 ha mía của gia đình ông tốt hơn hẳn các năm trước dù trồng sớm, bị ảnh hưởng nắng hạn đầu mùa. Còn chị Đinh Thị Gon (làng Bút) cho biết: Bà con trong làng đã trồng mía từ lâu nhưng chưa bao giờ mía tốt như năm nay.

Theo người dân làng Bút, khi triển khai cánh đồng mía lớn, bà con được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ đầu tư 50 tấn phân bùn/ha; hỗ trợ chi phí tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, 30% chi phí mua giống... Đặc biệt, bà con trong làng đã đóng góp ngày công, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, sự giúp đỡ từ Nhà máy Đường và đơn vị Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) để hoàn thành tuyến đường nội đồng dẫn ra cánh đồng mía lớn của làng dài hơn 812 m. Huyện cũng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng công trình ngầm tràn qua suối làng Bút, nhờ đó, việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con thuận lợi hơn.

Huyện Đak Pơ hiện có gần 9.000 ha mía. Trong đó, đã thực hiện cơ giới hóa được khoảng 4.000 ha, chủ yếu là khâu làm đất. Đak Pơ cũng là một trong những huyện đi đầu ở khu vực phía Đông tỉnh về triển khai cánh đồng mía lớn. Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, cho biết: “Hiện nay, huyện Đak Pơ đã cho các xã, thị trấn đăng ký diện tích mía trồng năm nay. Qua đó, khảo sát lại các diện tích có đủ điều kiện để cơ giới hóa thì mới tiến hành triển khai. Theo dự kiến, xã An Thành sẽ mở rộng cánh đồng mía lớn thêm 30 ha. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình liên kết xây dựng cánh đồng mía lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua tham quan thực tế, mục tiêu của hội thảo nhằm tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trồng mía trên địa bàn huyện trao đổi, học tập kinh nghiệm. Qua thành công của mô hình cánh đồng mía lớn ở làng Bút, chắc chắn người dân sẽ thay đổi nhận thức và cách làm lâu nay. Cứ thế, nơi nào có điều kiện thì huyện sẽ vận động bà con thực hiện nhân rộng cánh đồng mía lớn nhằm tăng năng suất, thu nhập cho bà con”.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm