Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Sê: Nhân rộng mô hình "Đàn dê thoát nghèo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Triển khai từ năm 2016 đến nay, mô hình “Đàn dê thoát nghèo” của Hội Nông dân huyện Chư Sê, Gia Lai đã giúp nhiều hội viên có điều kiện phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.



Ông Hồ Sỹ Thuần-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê-cho biết: Để triển khai mô hình này, Hội đã vận động một số nhà hảo tâm và các hội viên đóng góp kinh phí mua tặng dê giống cho hội viên nghèo. Kết quả, sau gần 4 năm thực hiện mô hình, Hội đã mua 135 con dê giống sinh sản tặng cho 36 hội viên có hoàn cảnh khó khăn (mỗi hộ 3-4 con). Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp các hộ có thêm kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho dê. Đến nay, số dê được tặng đều phát triển khỏe mạnh và đã sinh sản. Nhiều hộ nhờ đó không chỉ có thêm thu nhập từ việc bán dê mà còn có dê con giao lại cho Hội để tặng các hội viên khác. Hiện số hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tặng dê đã tăng lên thành 61 hộ với số dê là 180 con; trong số này có 20 hộ đã thoát nghèo.

   Hội Nông dân huyện Chư Sê tặng dê cho hội viên nghèo. Ảnh: H.T
Hội Nông dân huyện Chư Sê tặng dê cho hội viên nghèo. Ảnh: H.T


Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Mô hình “Đàn dê thoát nghèo” do Hội Nông dân huyện Chư Sê triển khai đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong cán bộ, hội viên nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo Hội Nông dân các huyện học tập và nhân rộng mô hình này nhằm giúp hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống.
 

Gia đình anh Rơ Lan Thih (làng Pang, xã Ia Glai) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Theo lời anh kể, gia đình anh được bố mẹ cho 8 sào cà phê và 700 trụ hồ tiêu nhưng số cà phê và hồ tiêu đều già cỗi nên năng suất đạt thấp. Vì thế, cuối năm 2016, gia đình anh mạnh dạn vay ngân hàng 60 triệu đồng để đầu tư tái canh cà phê và chăm sóc hồ tiêu. Thế nhưng, mùa mưa năm 2017 đã khiến hơn 400 trụ hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết, trong khi đó số cà phê tái canh chưa cho thu hoạch nên gia đình anh càng thêm khó khăn. Trước tình cảnh đó, cuối năm 2018, Hội Nông dân huyện đã tặng gia đình anh 4 con dê. Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê đã phát triển lên 8 con và mới đây gia đình anh được công nhận thoát nghèo. “Mình sẽ chăm sóc đàn dê thật tốt để phát triển chăn nuôi, qua đó tạo thêm thu nhập để đầu tư trồng lại hồ tiêu cũng như trả khoản nợ đã vay”-anh Thih nói về dự định sắp tới.

Nhận thấy mô hình “Đàn dê thoát nghèo” do Hội Nông dân huyện triển khai đạt hiệu quả, đến nay có 6 Hội Nông dân xã, thị trấn trong huyện cũng đã học tập và triển khai. Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ thoát nghèo nhờ được tặng dê, bà Cao Thị Hồng Xuân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Pơng-cho hay: Hội Nông dân xã bắt đầu triển khai mô hình này từ năm 2016. Có 5 hộ được tặng 15 con dê, đến nay đàn dê đã nhân lên thành 39 con. Nhờ chăm sóc đàn dê tốt, 5 hộ này giờ đã thoát nghèo”. Nhanh tay cắt lá chuối cho dê ăn, ông Rơ Mah Zơk (làng Hố Lâm, xã Chư Pơng) phấn khởi trò chuyện: “Nhà mình có 7 sào cà phê kinh doanh và hơn 4 sào lúa nước nhưng năng suất thấp nên năm nào cũng rơi vào diện nghèo. Cuối năm 2018, được Hội Nông dân xã tặng 3 con dê, mình phấn khởi lắm. Gia đình thường phân công nhau đi cắt cỏ ở bờ suối và trồng thêm chuối để lấy thức ăn cho dê. Đàn dê giờ đã phát triển lên được 8 con và gia đình mình đã thoát nghèo”.

Trao đổi thêm với P.V, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho rằng dê là loài động vật ăn tạp nên việc tìm kiếm thức ăn cho dê không khó, người dân có thể tận dụng lá keo, lá mít, cỏ các loại. Bên cạnh đó, dê cũng ít bị bệnh, nhanh sinh sản giúp bà con sớm có thu nhập. Vì vậy, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm giúp đỡ nhiều hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi. Đồng thời, Hội cũng sẽ phối hợp với hộ cung cấp giống để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho dê và bao tiêu sản phẩm giúp bà con không lo về đầu ra.

 HỒNG THƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm