Thể thao

Thể thao cộng đồng

Sôi nổi Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự tham gia của 17 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2020 (diễn ra từ ngày 30-6 đến 2-7) đã thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ. 
Tham gia hội thi có hơn 500 huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) tranh tài ở 7 môn: bóng đá nam, bóng chuyền nam, bắn nỏ (nam, nữ), kéo co (nam, nữ), đẩy gậy (nam, nữ), chạy cà kheo và việt dã. Trong 3 ngày diễn ra, hội thi luôn tràn ngập không khí sôi động, tinh thần thể thao hào hứng. Các VĐV đều nỗ lực thi đấu hết sức để giành thành tích cao nhất cho đơn vị mình.
Trong thời gian diễn ra hội thi, thời tiết trên địa bàn TP. Pleiku không mấy thuận lợi, thường có mưa bất chợt. Ngoài ra, các môn thi được Ban tổ chức sắp xếp thi đấu rải rác tại 3 địa điểm (Nhà Thi đấu thể thao tỉnh; Nhà tập luyện-Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh; Nhà thi đấu TP. Pleiku). Tuy nhiên, chất lượng chuyên môn của hội thi không vì thế mà giảm sút. 
Các vận động viên thi đấu môn đẩy gậy tại hội thi. Ảnh: H.P
Các vận động viên thi đấu môn đẩy gậy tại hội thi. Ảnh: H.P
Ở tuổi 71, ông Ksor Din (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) khiến nhiều người nể phục khi vượt hơn 70 km lên TP. Pleiku để cổ vũ cho con trai là Ksor Nhuen tham gia môn đẩy gậy. Ông Din bộc bạch: “Tôi mong các hội thi thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được tổ chức, qua đó bồi dưỡng cho thế hệ trẻ để họ không chỉ trở thành những VĐV chuyên nghiệp mà còn góp phần gìn giữ các môn thể thao truyền thống của địa phương”.
Đẩy gậy là bộ môn có sức hút mạnh mẽ đối với đông đảo khán giả. Đây là môn thể thao đòi hỏi VĐV không chỉ có sức mạnh thể lực mà còn phải khéo léo, làm chủ kỹ thuật. Sau khi giành chiến thắng chung cuộc ở hạng cân 60-63 kg, VĐV Y Khưm (TP. Pleiku) phấn khởi cho biết: “Trước khi đến với hội thi, tôi cùng với đồng đội đã tập luyện gần 2 tuần, mục tiêu của đội là quyết tâm giành thành tích cao nhất. Rất vui vì điều đó đã trở thành hiện thực”. 
Trao đổi với chúng tôi, VĐV Đinh Krênh (đoàn Kông Chro) chia sẻ kinh nghiệm thi đấu: “Bắn nỏ là môn thể thao yêu cầu tâm lý vững vàng, quan trọng nhất là lúc gạt lẫy nỏ phải tập trung, nín thở, ngắm chính xác, chắc tay và ghì giữ đầu mũi tên sao cho đúng điểm chuẩn. Đôi khi VĐV còn phải tính toán đến cả sức gió”. Với kinh nghiệm dày dặn ấy, không lạ khi anh Krênh giành thành tích cao nhất tại môn thi này.
Nhà Thi đấu TP. Pleiku là nơi diễn ra môn bóng chuyền. Các đội tham gia lần này đều có trình độ khá đồng đều. Ở trận bán kết và chung kết, các đội thi đấu rất kịch tính, bám đuổi sát sao từng điểm một. 
Trước khi đến với hội thi lần này, đội Đức Cơ đã dành thời gian tập luyện hơn 1 tháng. “Tham gia hội thi, tôi đăng ký 2 nội dung là bóng chuyền và kéo co. Năm nay, số lượng các đơn vị đăng ký thi đấu môn bóng chuyền nhiều hơn so với năm trước, thực lực cũng mạnh hơn nên hội thi diễn ra rất hấp dẫn và kịch tính. Đây là dịp để các vận động viên học hỏi kinh nghiệm thi đấu lẫn nhau”-anh Dê nói.
Trận chung kết môn bóng chuyền giữa 2 đội thị xã Ayun Pa và Đức Cơ diễn ra rất hấp dẫn và đầy kịch tính. Ảnh: H.P
Trận chung kết môn bóng chuyền giữa 2 đội thị xã Ayun Pa và Đức Cơ diễn ra rất hấp dẫn và đầy kịch tính. Ảnh: H.P
Sau 3 ngày thi đấu sôi nổi, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2020 đã thành công tốt đẹp. Đây là hoạt động văn hóa, thể thao có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 31 bộ huy chương cho các VĐV đạt thành tích cao ở các nội dung thi đấu, trong đó, TP. Pleiku đã xuất sắc xếp thứ nhất toàn đoàn với 259 điểm, xếp thứ nhì là Đak Đoa với 188 điểm, thứ ba là đoàn Chư Pah với 84 điểm.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban tổ chức hội thi-cho biết: “Hưởng ứng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, hàng năm, tỉnh tổ chức hội thi thể thao các dân tộc thiểu số nhằm phát triển thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu thể thao, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội thi còn là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số gắn kết, bảo tồn, giữ gìn các môn thể thao truyền thống của địa phương. Từ đây, chúng tôi sẽ lựa chọn những VĐV có thành tích tốt nhất để tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc”. 
Cũng theo ông Hoàng, năm tới, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu bổ sung thêm một số môn thể thao của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc đang sinh sống trên địa bàn để hội thi thêm phần phong phú, hấp dẫn.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm