Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chất vấn nhiều vấn đề quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều nay (12-7), kỳ họp thứ ba-HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI đã tiến hành thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp lần này đã có 15 câu hỏi chất vấn của đại biểu với 19 vấn đề gửi đến UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. 
“Nóng” về Y tế
Trong phần chất vấn đối với các sở, ngành, đại biểu đơn vị huyện Chư Sê Dương Văn Tuấn đã đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Y tế. Theo đại biểu Tuấn “Tại sao Sở Y tế chưa triển khai công tác tham mưu cho UBND tỉnh về khảo sát, quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây dược liệu Mật nhân? Hiện nay tình trạng người dân tự do vào rừng khai thác theo hướng tận diệt cây dược liệu quý này. Trách nhiệm của người đứng đầu ngành Y tế địa phương nằm ở đâu?”. 
Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn với các Sở ngành
Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn với các Sở ngành liên quan. Ảnh: M.D
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Mai Xuân Hải khẳng định: “Việc phát triển cây dược liệu của tỉnh phải dựa vào nghiên cứu của các nhà khoa học và kinh phí không nhỏ cho việc nghiên cứu. Hiện nay, cây dược liệu Mật nhân chỉ còn rải rác trên núi cao ở huyện Kbang. Vừa qua, Sở Y tế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh về việc duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến 2030. Trong đó, có việc nghiên cứu mở rộng việc nuôi trồng các cây, con làm thuốc có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh”. Đại biểu Hải cũng khẳng định thêm: “Vấn đề quản lý cây Mật nhân thuộc về quản lý và bảo vệ rừng nói chung. Đặc biệt, ngày 22-6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng để cứu rừng. Sở Y tế không quản lý vần đề này”.
Câu trả lời này, chủ tọa kỳ họp-ông Dương Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng chưa thuyết phục và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu Sở Y tế tỉnh. Ông Dương Văn Trang chỉ đạo: “Về phần nhà nước tôi chưa thấy quy hoạch, bảo tồn và phát triển đầu tư, nhưng hiện nay trên thị trường của Gia Lai, nhất là Kbang, nhiều tư nhân đã nấu cao, chế biến, tinh chế cây mật nhân. Tôi đề nghị giám đốc Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh sớm bảo tồn và quy hoạch, đưa cây mật nhân trở thành một thương hiệu và trở thành nguồn thu cho tỉnh Gia Lai sau này”.
Quang cảnh diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp
Quang cảnh diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: M.D
Việc khắc phục ô nhiễm môi trường trong quản lý chất thải y tế nguy hại và tái chế chất thải y tế trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Tường Linh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Pleiku đặt câu hỏi: “Từ năm 2015 đến nay nhiều cơ sở y tế trong tỉnh vẫn còn tình trạng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế trước khi thải ra môi trường và xảy ra một số sai phạm mới như: Nước thải sau khi xử lý chưa đạt yêu cầu, xử lý chất thải không đúng quy định làm ảnh hưởng đến môi trường”. 
Giải trình vấn đề này, đại biểu Hải cho biết: “Hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng của các bệnh viện, trung tâm y tế được đầu tư khá lâu. Vì vậy luôn xảy ra sự cố phải sửa chữa mặc dù các đơn vị này đã hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng định kỳ và xử lý đột xuất khi có sự có. Đây là nguyên nhân khách quan khó có thể tránh được. “Thời gian tới Sở sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá lại hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng của các bệnh viện, trung tâm y tế có nguy cơ gây ô nhiễm; kiểm tra, đôn đốc các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện tốt công tác quản lý chất thải…”-đại biểu Hải khẳng định.
Chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm
Đại biểu Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh
Đại biểu Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: M.D
“Tình trạng sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác quản lý?”-đó là câu hỏi chất vấn của ông Nguyễn Trung Kiên (đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Pleiku). Trả lời câu hỏi chất vấn này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PPTNT Trương Phước Anh cho hay: “Ngoài việc ban hành các văn bản quản lý về giống cây trồng thì Sở cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Từ đầu năm đến nay, Sở đã thanh tra, kiểm tra 120 cơ sở, trong đó có 100 cơ sở vi phạm. Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh công tác bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để có nguồn vật liệu nhân giống đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn phục vụ cho việc nhân giống, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất; thường xuyên giám sát và tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng…”. 
Tại kỳ họp lần này đã có 15 câu hỏi chất vấn của đại biểu với 19 vấn đề gửi đến UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã gửi đến kỳ họp 5 kiến nghị. Văn phòng HĐND tỉnh cũng đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri toàn tỉnh gửi đến kỳ họp thứ ba. 

Cũng tại phiên chất vấn này, bà Đinh Ly An (đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Kbang) đặt câu hỏi về việc chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho 269 hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi dưới 30% để thực hiện dự án đường Đông Trường Sơn. Trả lời vấn đề này, ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “269 hộ dân được hỗ trợ với kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng trên cơ sở thống nhất với Ban quản lý dự án 46 trước khi UBND huyện Kbang phê duyệt. Ban quản lý dự án 46 đã chi trả hơn 3,7 tỷ đồng và tại buổi làm việc sau đó, Ban này cũng thống nhất chi trả số tiền còn lại cho người dân trước Tết Nguyên đáng 2015. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa chuyển trả. Do vậy, để giải quyết dứt điểm vụ việc và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc chi trả khoản kinh phí hỗ trợ này”.

Đại biểu Thái Thanh Bình-Bí thư Thị ủy Ayun Pa đặt câu hỏi chất vấn với các Sở ngành
Đại biểu Thái Thanh Bình-Bí thư Thị ủy Ayun Pa đặt câu hỏi chất vấn với các Sở ngành. Ảnh: M.D
Tại phần chất vấn đối với lãnh đạo UBND tỉnh, đại biểu Nguyễn Đức Hoàng và Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm rõ những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; một số khó khăn, ách tắc trong việc triển khai Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku) đang được dư luận xã hội quan tâm, gây bức xúc cho những hộ dân liên quan đến dự án này.
Ngày mai (13-7), Kỳ họp sẽ tiếp tục với các nội dung: UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ thêm trước khi HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Gia Lai Điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung kỳ họp.

Minh Dung

Có thể bạn quan tâm