(GLO)- Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 1.384 ha cây trồng bị hạn, trong đó lúa nước 1.196 ha, cây công nghiệp dài ngày 120 ha, mía, bắp, mì 68 ha. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian tới tình trạng khô hạn và cạn kiệt nguồn nước sẽ tiếp tục xảy ra trên diện rộng, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng…
Ảnh: Q.T |
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 914/UBND-NL yêu cầu Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, dự báo nhận định về lượng mưa, dòng chảy, cảnh báo khô hạn cho các cơ quan và chính quyền địa phương chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước.
Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố nhất là các địa phương có nguy cơ hạn nặng triển khai các biện pháp ứng phó hạn hán. Chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm, ưu tiên đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, tưới cây trồng đang trong giai đoạn ra hoa kết trái. Phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại do khô hạn gây ra trong vụ Đông Xuân 2014-2015, đề xuất hỗ trợ chống hạn, khôi phục sản xuất vùng thiệt hại do nắng hạn gây ra theo đúng chính sách quy định.
Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương điều tiết nước bổ sung nguồn nước cho vùng hạ du phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
Các địa phương tập trung kiểm tra nguồn nước trên địa bàn, triển khai quyết liệt việc chuyển đổi cây trồng vùng thường xuyên bị hạn sang trồng cây trồng khác; đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi, công nghiệp… chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để phòng-chống hạn.
Nguyễn Diệp