Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chỉ số PCI: Đích ngắm tốp 20

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Gia Lai có 4 chỉ số giảm điểm gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính năng động và thiết chế pháp lý. Đây là những chỉ số ảnh hưởng rất lớn đến điểm số PCI. Bởi vậy, ngành chức năng đã quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp đột phá để cải thiện điểm số những chỉ số này nhằm phấn đấu đạt mục tiêu nằm trong tốp 20 của cả nước về chỉ số PCI vào năm 2025.

 

4 chỉ số bị giảm điểm

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “So với năm 2018, PCI của tỉnh Gia Lai năm 2019 tăng 2,26 điểm, tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng. Kết quả này thể hiện sự năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp trong tỉnh. Việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng có nhiều tiến bộ khiến bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên sáng sủa hơn. Đặc biệt, có tới 80% doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của các cơ quan chính quyền”.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Ảnh: H.D
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Ảnh: H.D



Trong các chỉ số thành phần PCI năm 2019 của tỉnh ta, đạt điểm cao nhất là chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (7,37 điểm), tiếp đến là chỉ số cạnh tranh bình đẳng (7,18 điểm), gia nhập thị trường (7,03 điểm), tiếp cận đất đai (6,95 điểm). Các chỉ số có điểm thấp nhất lần lượt là thiết chế pháp lý (6,06 điểm), chi phí không chính thức (5,57 điểm) và tính năng động (5,56 điểm). So với năm 2018, có 4 chỉ số giảm điểm gồm: gia nhập thị trường giảm 0,43 điểm; tiếp cận đất đai giảm 0,19 điểm; tính năng động giảm 0,41 điểm và thiết chế pháp lý giảm 0,34 điểm. Những chỉ số này ảnh hưởng rất lớn đến điểm số PCI của Gia Lai trong năm 2019 khi tổng trọng số của chúng chiếm tới 20%.

Trước đó, để nâng cao chỉ số PCI, tỉnh đã tổ chức phân công phân nhiệm cụ thể cho các sở, ngành. Các sở, ngành phải chịu trách nhiệm khi chỉ số thành phần PCI năm 2019 giảm. Theo đó, trong chỉ số gia nhập thị trường, những chỉ số con chủ yếu thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, do có một số chỉ số con liên quan đến các sở, ngành cấp giấy phép con nên các sở: Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo cũng có trách nhiệm. Còn trong chỉ số tiếp cận đất đai, những chỉ số con chủ yếu rơi vào trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tương tự, trong chỉ số tính năng động, trách nhiệm rơi vào Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Cục Quản lý Thị trường, Sở Tài chính. Trong chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, một số sở, ngành khác cũng có trách nhiệm liên quan gồm: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

Quyết liệt triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Ngày 20-5, UBND tỉnh có Công văn số 1079/UBND-KTTH về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, Gia Lai nằm trong tốp 20 của cả nước về chỉ số PCI, tỉnh đã quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá như: đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, đẩy mạnh rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường công khai thông tin về pháp lý, đất đai, quy hoạch, đấu thầu... theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận một cách thuận lợi; đảm bảo thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh...

Sự hài lòng của DN góp phần nâng cao vị trí của Gia Lai trên bảng xếp hạng PCI. Ảnh: Hà Duy
Sự hài lòng của doanh nghiệp góp phần nâng cao vị trí của Gia Lai trên bảng xếp hạng PCI. Ảnh: Hà Duy



Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin: “Sở sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cải cách quy trình xử lý để cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư so với quy định. Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; tích cực phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường năng lực quản trị kinh doanh”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị phụ trách chỉ số tính minh bạch-cho hay: Sở sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Cùng với đó là phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) để phục vụ kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh với các hệ thống thông tin của Trung ương. Đồng thời, tham mưu giúp UBND tỉnh nâng cấp, phê duyệt Khung Kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh phiên bản 2.0 theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn công dân, tổ chức để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có những chỉ đạo cụ thể đối với từng sở, ngành chịu trách nhiệm về các chỉ số thành phần. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch trên website, xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin đất đai các huyện, thị xã, thành phố, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đa dạng các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm