(GLO)- Trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Gia Lai tụt tới 8 bậc so với năm 2019, xếp vị trí 38/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tăng điểm 7 chỉ số thành phần
Báo cáo PCI năm 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương.
Theo đánh giá của TS. Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Điều tra PCI năm 2020 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian, chi phí không chính thức giảm, chính quyền cấp tỉnh năng động, sáng tạo hơn, cải cách hành chính cải thiện đáng kể, môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.
Bộ phận một cửa các huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Hà Duy |
Năm 2020, PCI của Gia Lai có 7 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và thiết chế pháp lý. Trong đó, chỉ số tăng mạnh nhất chính là chi phí thời gian với 8,4 điểm, xếp thứ 16/63 trên bảng xếp hạng, tăng 1,86 điểm so với năm 2019.
Đây là kết quả đáng phấn khởi, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh tập trung rà soát, bãi bỏ các quy định không cần thiết, kiến nghị cắt giảm các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, đặc biệt là vận hành hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: “Với mục tiêu xây dựng Gia Lai trở thành điểm đến lý tưởng để đầu tư và phát triển kinh doanh, tỉnh đã chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời tháo gõ khó khăn, vướng mắc qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh. Tất cả là để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động”.
“3 chìm” ở những chỉ số quan trọng
Trong phương pháp tính toán điểm số PCI, mỗi chỉ số thành phần được gán thêm trọng số. Có 3 mức trọng số: cao (15-20%), trung bình (10%) và thấp (5%), thể hiện mức đóng góp và tầm quan trọng của từng chỉ số đối với sự phát triển số lượng doanh nghiệp, vốn đầu tư và lợi nhuận. Sự tăng hay giảm vị trí trên bảng xếp hạng chủ yếu dựa vào số điểm cao hay thấp của những chỉ số thành phần có trọng số cao.
Đáng buồn là ở 3 chỉ số giảm điểm của Gia Lai: tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động, tất cả đều có trọng số cao (20%). Điều này lý giải vì sao chỉ có 3 chỉ số thành phần giảm điểm nhưng vị trí của Gia Lai bị kéo xuống 8 bậc trên bảng xếp hạng.
Theo bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2020, Gia Lai đạt 63,12 điểm, xếp vị trí 38/63 tỉnh, thành. Ảnh: Hà Duy |
|
Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp là công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động, chương trình và chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đào tạo về quản trị kinh doanh.
Toàn tỉnh hiện có trên 7.220 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, theo điều tra PCI năm 2020 cho thấy, việc các doanh nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ cũng như cơ chế, chính sách, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đào tạo về quản trị kinh doanh chưa nhiều.
Theo đó, ở chỉ số này, Gia Lai từ 7,37 điểm năm 2019 đã giảm xuống chỉ còn 5,78 điểm ở năm 2020. Tương tự, năm 2020, chỉ số tính minh bạch của Gia Lai vẫn bị giảm 0,21 điểm (năm 2019 là 6,6 điểm, năm 2020 là 6,39 điểm). Chỉ số đào tạo lao động cũng giảm điểm (từ 6,08 điểm năm 2019, giảm còn 5,13 điểm năm 2020).
“Tỉnh ta hiện có nguồn lao động chiếm khoảng 59,74% dân số, song chỉ có 55% lao động qua đào tạo, còn lại là lao động giản đơn, thiếu kỹ năng nghề nên nhiều doanh nghiệp thường xuyên bị thiếu lao động lành nghề”-ông Nguyễn Tấn Thành-Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết.
Theo ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Để cải thiện vị trí xếp hạng PCI hàng năm, tỉnh cần có giải pháp để “kéo” những chỉ số đang bị giảm điểm lên, ưu tiên tập trung tác động cải thiện điểm số ở những chỉ số có trọng số cao. Việc khảo sát PCI một phần phụ thuộc vào tâm lý, cảm tính của doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh cần có những hoạt động bề nổi nhằm tạo hiệu ứng tâm lý tốt, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương với doanh nghiệp cũng rất quan trọng”.
HÀ DUY