Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chị tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đông đã về. Nắng vàng nhạt nương gió heo may đưa lạnh lùa vào da thịt. Lần lữa trước những chiếc áo khoác kiểu dáng khác nhau, chất liệu vải, độ mỏng dày khác nhau, tự dưng tôi tần ngần trước chiếc áo len chị Ba tôi đan tay ngày nào.
Chị Ba là con thứ hai, nhưng là con gái đầu của cha mẹ tôi. Bảng xếp hàng theo sau chị có bảy đứa em cả trai lẫn gái. Con gái đầu thường được cha mẹ yêu thương nhiều, có lẽ vì sớm biết gánh vác việc nhà, đỡ đần cha mẹ nuôi dạy đàn em.
Ngót 40 năm, tôi vẫn còn giữ tấm áo len chị tôi đan cho ngày nào. (ảnh minh hoa)
Chị Ba đỗ Tú tài toàn phần, học dở Trường Sư phạm Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) rồi trở thành cô giáo tiểu học ngay sau khi nước nhà thống nhất. Thời ấy, con gái ở quê có trình độ học vấn như chị hiếm lắm. Chị là niềm tự hào của gia đình, họ tộc, là tấm gương cho những gia đình hiếu học ở quê tôi.
Dạy học trường làng gần nhà có nhiều thời gian rỗi, ngoài việc đồng áng chị tôi có thêm nghề đan, móc len. Nói là nghề, bởi chị kiếm được tiền từ nó. Cũng cần nói thêm, những năm trước và cận sau đổi mới (tháng 12-1986), hàng hóa mọi mặt đều khan hiếm nhưng nhu cầu làm đẹp, giữ ấm thì vẫn có. Ngày ấy, mùa đông dường như lạnh hơn bởi cuộc sống còn quá khó khăn, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nhà cửa tuềnh toàng trống trước hở sau chứ không tường cao cổng kín như bây giờ. Ngày ấy, có được tấm áo mới dù để giữ ấm cơ thể cũng đồng nghĩa với việc làm đẹp, tằn tiện lắm mới sắm được. “Nữ công gia chánh” có điều kiện phát huy. Đơn giản thì khéo vá, giỏi hơn thì thêu thùa, đan móc. Để có len, chị tôi phải đạp xe hơn 20 km đến thị xã Quy Nhơn (nay là TP. Quy Nhơn) tìm mua. Nói là tìm, vì thời bao cấp Nhà nước độc quyền phân phối hàng hóa nên tiểu thương lén lút buôn bán từ cây kim đến sợi chỉ. Thời gian theo học ở thị xã này đã giúp chị tôi thuộc đường đi lối lại, có bạn bè người thân mách nước, giới thiệu người bán hàng (riêng việc này, phụ nữ ở quê không được mấy người). Mua được nguồn len tận gốc giá rẻ, chất lượng linh hoạt, phong phú sắc màu lại khéo tay nên sản phẩm của chị đã đẹp lại có phần rẻ hơn, được nhiều người đặt hàng. 
Cầu vượt cung, chị Ba “kéo” cả những thiếu nữ gần nhà tranh thủ ngày nông nhàn vào cuộc. Chị dạy họ đan, thêu. Có giờ lý thuyết, buổi thực hành hẳn hoi. Sẵn có phương pháp sư phạm, lại nhiệt tình chỉ bảo nên “học viên” của chị chóng biết nghề. Tuy thế, vì nguồn nguyên liệu len khó tìm, khách hàng chỉ tín nhiệm mỗi sản phẩm của chị nên chị đứng ra nhận hàng, giao khoán việc cho “học trò”, trả công họ theo từng sản phẩm. Chị tôi trở thành cô chủ. Tiền kiếm được “cô chủ” không dành riêng cho mình mà đưa mẹ đong gạo, mua thức ăn, sắm sanh vật dụng tối cần thiết cho gia đình. Nhiều lần mẹ ái ngại bảo chị giữ lấy còn có chút của nả ngày về nhà chồng. Chị cười bảo, khi nào thằng Út Mười lớn khôn thì con mới tính… Hàng ngày, Út Mười vẫn lon ton theo chị đến trường làng, biết chừng nào mới lớn khôn?!
Từ những cuộn len còn lại sau khi hoàn thành mỗi tấm áo cho khách, theo kích cỡ và chất lượng sợi, chị Ba cuộn thành những cuộn lớn bé khác nhau để dành. Giúp người học có điều kiện thực hành, chị nhờ họ dùng số len này đan áo cho các em nhỏ của mình. Thế là đàn em lít nhít của chị đứa nào cũng có được vài tấm áo len sắc màu, đẹp rạng ngời trong mắt trẻ thơ!
Thời THPT, tôi được chị Ba đan cho chiếc áo len màu xanh rêu cổ cao, thắt rết hai hàng chạy dọc phía trước, bo thít ngang đẹp lắm. Ngày đông tháng giá, đường đến trường mỗi sớm tinh mơ hun hút gió lùa, lay phay mưa bụi nhưng tấm áo giữ ấm cơ thể tốt vô cùng.
Ngót 40 năm, tôi vẫn còn giữ tấm áo len chị tôi đan cho ngày nào. Thi thoảng lại mặc, khoe cùng đàn con, như để truyền giữ hơi ấm yêu thương từ anh chị em ruột thịt.
 NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm