Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển y tế địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện các chương trình y tế tại địa phương, điều phối sự hợp tác của nhiều bên và nhiều lĩnh vực để giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt với chi phí hợp lý nhất.
 

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Ngày 20-9, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống y tế - Vai trò của chính quyền địa phương trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân”.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, Bộ Y tế quản lý theo ngành, chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ.

Các cơ sở y tế tại địa phương vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của chính quyền địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. Để giải quyết các vấn đề y tế tại địa phương cần có sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

“Chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức thực hiện các chương trình y tế tại địa phương, cũng như điều phối sự hợp tác của nhiều bên và trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn để giúp người dân tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng có chất lượng với chi phí hợp lý nhất”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Theo bà Socorro Escalante, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, thực trạng của y tế Việt Nam hiện nay là đầu tư quá nhiều vào các bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương, mà chưa đầu tư đúng mức vào dịch vụ y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Điều này đã dẫn tới chênh lệch về chất lượng dịch vụ y tế ở những bệnh viện lớn và các cơ sở tuyến huyện, xã, phường. Tình trạng vượt tuyến bắt nguồn từ đây.

Bà Sacorro đề nghị: Nhiệm vụ của các địa phương là rà soát lại toàn bộ mạng lưới từ tỉnh đến huyện, xã, phường. Cần có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc kết nối các cơ sở y tế tuyến huyện với các tuyến dưới nhằm cung cấp các dịch vụ, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tạo thành một mạng lưới kết nối hoàn thiện, cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế, nâng cao điều kiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

Ông Shin Young Soo-Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng, chính quyền địa phương còn có vai trò quan trọng trong giám sát việc các doanh nghiệp, nhà đầu tư chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng. Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có các hoạt động phát thải, khí thải đe dọa đến môi trường, sức khoẻ của người dân.

“UBND tỉnh có trách nhiệm về việc xem xét các điều kiện tham gia đầu tư, ưu tiên cho môi trường, đề cao việc bảo đảm sức khoẻ của người dân lên hàng đầu; kiểm tra giám sát các hoạt động xả thải, phát thải của doanh nghiệp, việc chấp hành tuân thủ thực hiện theo các chính sách mà Bộ Y tế đã ban hành”, ông Shin Young Soo lưu ý.

Ông Shin Young Soo cũng đề nghị các địa phương nên cân nhắc đến vấn đề xã hội hoá dịch vụ y tế, khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Với nhân lực và cơ sở hạ tầng công nghệ cao sẽ giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện công, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Đồng thời, cần có quy định pháp luật rõ ràng đối với vấn đề xã hội hoá ngành y tế để bảo đảm tính pháp lý và thống nhất.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm