Thời sự - Bình luận

'Chích ngừa' tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một trong những nhiệm vụ của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022) diễn ra hôm nay 30.6, là đề ra giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Sau 10 năm kể từ khi Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành lập do Tổng bí thư làm Trưởng ban (2012), đã có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó 170 người là cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý. Riêng ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng bị kỷ luật là 33 người, còn sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang là 50 người. Số tài sản tham nhũng bị thu hồi cũng lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng dù tỷ lệ chỉ đạt chưa tới 50%.

Trong 10 năm qua, với quyết tâm của lãnh đạo cao nhất Đảng, Nhà nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị nói chung đã đạt được những kết quả rõ rệt, được nhân dân đồng tình. Đó là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, ngay khi chúng ta thống nhất nhận định: “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm” (tháng 12.2020), thì hàng loạt vụ việc tham nhũng, tiêu cực với phạm vi, quy mô, cách thức chưa từng có được phanh phui, như vụ Việt Á hay trục lợi chuyến bay giải cứu tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Bất chấp “lò đốt tham nhũng” đang nóng rực, hàng chục cán bộ cao cấp bị xử lý đang là tấm gương nhãn tiền, nhiều quan chức cấp cao của Đảng, Nhà nước vẫn trắng trợn “nhúng chàm”, cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (tháng 1.2021) tới nay, 50 cán bộ diện T.Ư quản lý, gồm 8 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 20 tướng quân đội, công an bị xử lý kỷ luật, tức là bằng gần 1/3 cả giai đoạn 10 năm 2012 - 2022. Riêng vụ Việt Á đã có 2 ủy viên T.Ư khóa XIII là các ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch TP.Hà Nội, cựu Bộ trưởng KH-CN và Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế bị khai trừ Đảng, khởi tố, tạm giam. “Vi rút” tham nhũng, tiêu cực đã lan tới những lĩnh vực từng là “vùng đất thiêng” của bộ máy nhà nước như khoa học, giáo dục, y tế hay thậm chí là ngoại giao.

Thực tiễn nói trên đang đòi hỏi những đánh giá, phân tích về giải pháp căn cơ, lâu dài hơn trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mục đích cuối cùng của chống tham nhũng không phải là kỷ luật nhiều, bắt nhiều cán bộ, quan chức tham nhũng. Chặt một cành sâu để cứu cả cái cây là giải pháp cuối cùng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh điều này.

Nếu tham nhũng là căn bệnh cố hữu của mọi chế độ nhà nước, thì chắc chắn không thể cứ “chặt cành cây” cho đến ngày “hết sâu” là xã hội bước vào kỷ nguyên “zero tham nhũng” được. Cứu cánh của công cuộc phòng, chống tham nhũng trước hết phải là chăm cho cái cây xanh tốt, không có bộ phận nào bị sâu mọt, hư hỏng để phải chặt bỏ. Chích ngừa luôn là giải pháp hữu hiệu hơn so với điều trị triệu chứng.

Do vậy, người dân có lý do để chờ đợi ở hội nghị có quy mô lớn nhất của Đảng từ trước tới nay những liều vắc xin mới cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là những giải pháp hữu hiệu hơn trong phòng ngừa để cán bộ thực sự “không dám, không thể, không muốn” tham nhũng, như đã được nêu ra từ lâu.

Theo Lê Hiệp (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm