Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Chiếc cối xay lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Vào thập niên 50-60 của thế kỷ trước, một trong những vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình làm nông chính là chiếc cối xay lúa.

Hồi đó, ba tôi chuyên đóng cối xay lúa cho bà con lối xóm. Vì vậy, chiếc cối xay lúa đã trở nên thân thuộc với tôi.

Chiếc cối xay lúa. Ảnh: ĐNO

Chiếc cối xay lúa. Ảnh: ĐNO

Cối được làm từ những thanh tre cật. Để hoàn thành một chiếc cối, ba tôi phải mất ít nhất nửa tháng. Những chiếc nan tre được ba vót cẩn thận, đan thành tấm phên rồi cuốn thành vòng tròn với đường kính chừng 30 cm, cao khoảng 15 cm để làm thớt trên của cối. Thớt dưới cũng có đường kính như vậy nhưng cao chỉ 10 cm. Thớt trên gắn thêm 2 chiếc tai cối đối xứng nhau có khoét lỗ để gắn giàn xay.

2 thớt được đổ đầy đất sét đã rây mịn, trộn nhuyễn với tro, trấu và muối. Những thanh tre già bằng 2 ngón tay đóng sâu vào đất sét, ngang dọc chéo nhau để làm răng cối. Riêng thớt trên được khoét giữa lòng cối một chiếc lỗ hình phễu thủng xuống đáy để đổ lúa. Vòng ngoài cối được trét một lớp đất sét trộn phân trâu bò, lá râm bụt cho vừa dẻo. Khi làm xong 2 thớt cối phải để trong chỗ mát khoảng 2 tuần cho đến khi đất bên trong khô cứng thì mới sử dụng được.

Ngoài ra, cả 2 thớt gắn vào nhau để khi xay không trượt bằng một đoạn gỗ cắm đứng ở trung tâm gọi là ngõng cối, bệ đỡ bao quanh cối hứng gạo trấu xay ra gọi là mông cối. Tất cả được đặt trên chiếc giá gỗ hoặc thân tre già hình vuông có 4 chân.

Khi xay, dùng một thanh gỗ tròn một đầu hình chữ T, đầu kia hình chữ L móc vào tai cối gọi là giằng xay. Người đứng xay cầm vào đầu chữ T cột một sợi dây lên trần nhà để định vị chiều cao người xay. Khi kéo xoay vòng tai cối để lúa xuống kẹt vào các răng cối bóc vỏ nhả gạo, trấu ra đổ xuống nia. Sau đó, đưa ra sàng sảy cho bớt trấu, gằn lấy thóc đem bỏ chung với mẻ lúa mới để xay lại, còn gạo đưa vào cối giã để tách hết lớp vỏ trấu còn sót lại và làm cho gạo trắng thêm.

Thời đó, cả huyện An Khê mới có chừng vài nhà máy xay. Mỗi lần gánh lúa đi xay phải mất cả ngày, vậy mà về cũng chỉ dùng được 3-4 ngày là hết gạo. Vì vậy, chiếc cối xay thủ công, cối giã và các dụng cụ như giần sàng đều có sẵn trong nhà.

Cứ 4 giờ sáng là má và chị tôi phải thức dậy để xay, giã gạo kịp nấu bữa sáng cho cả gia đình. Tiếng cối xay, tiếng giã gạo, tiếng sàng sảy làm tôi cũng thức giấc để rồi lại ngồi co ro bên chiếc đèn dầu leo lét, nhìn chị và má làm việc. Những giọt mồ hôi dính từng mảng tóc trên mặt, trên tóc nhưng chị vẫn luôn nở nụ cười tươi rói.

Má tôi cười bảo: “Ráng làm có lúa để giã là mừng lắm rồi!”. Không phải riêng nhà tôi mà cả xóm cứ đúng 4 giờ sáng là tiếng giã gạo xay lúa hòa lẫn tiếng lốc cốc mõ trâu bò bắt đầu đi ra đồng gặm cỏ để kịp mặt trời vừa ửng lên là bắt đầu ngày làm việc mới.

Mãi đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, xã tôi mới có nhà máy xay nhưng cũng chỉ ngày xay, ngày nghỉ vì ít lúa. Vậy nên, chiếc cối xay và chiếc cối giã cũng vẫn là nông cụ quen thuộc của mỗi gia đình.

Sau ngày thống nhất đất nước, quê tôi thành lập hợp tác xã, có cánh đồng lúa nước, các phương tiện sản xuất đều cơ giới hóa. Các đội sản xuất đều có máy xay xát lúa, mì, máy đánh bóng gạo. Từ đó, chiếc cối xay lúa nhà tôi để trong mái hiên nhà lâu ngày trở nên quên lãng nên đã bị mục rã, hư hỏng. Đến nay, ở xóm cũng không còn ai biết làm cối xay.

Có thể bạn quan tâm