Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Chiếc cũi bếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi trước, ở quê tôi, nhà nào cũng có cũi bếp (chạn bát). Đây là một trong những vật dụng thiết thân cho sinh hoạt bếp núc: bên hông có ống, khe dùng để giắt dao, đũa.

Tầng dưới của cũi bếp lộ thiên để rổ rá, chén bát. Tầng giữa thường đóng kín; dùng cất xoong nồi hoặc những thực phẩm khô. Tầng trên là ngăn quan trọng nhất, dùng bảo quản thức ăn nấu chín để tránh sự “xâm phạm” của chó, mèo, chuột, kiến, ruồi… Phần này cần thoáng khí để thức ăn lâu thiu nên mặt trước và hai bên thường được bọc bằng lưới sắt thông gió.

Vậy nhưng, chiếc cũi bếp của gia đình tôi lại không có lưới. Thay vào đó, những mặt thông khí được đan bằng tre cật già vót nhẵn theo kiểu đan phên. Đan dày, nhưng dày tới mức nào thì cũng chỉ có thể ngăn tới… chuột là hết. Kiến thì không lo: 4 chân cũi, mẹ đã lót bằng 4 chén mẻ đựng nước. Còn lại, những loài như gián, ruồi… đành chịu thua. Nói là vậy chứ thực tế cũng tương đối ổn.

Minh họa: Huyền Trang

Nhà nghèo. Thường bữa ăn chỉ có nồi cơm, xoong canh và mẻ cá kho. Chiếc cũi rộng rinh nên ăn trưa xong, nếu cơm cá còn thừa thì cứ bưng chất hết vào cũi. Bao giờ mẹ cũng nấu cơm hơi dư, phòng xa việc lũ nhỏ nửa buổi đói bụng có cái ăn. Mấy anh em chúng tôi đang chơi ngoài ngõ mà chạy vào kêu đói, thế nào mẹ cũng bảo: Đói thì xuống bếp lục cũi! Lâu dần thành quen, đến độ câu “Xuống bếp lục cũi” đã trở thành lời nói cửa miệng của mọi thành viên trong gia đình.

Sau này thì không chỉ cơm, cá mà cả những thức ăn khô như bánh tráng cũng đều được cất vào cũi. Còn nữa, đi chợ, đi đám giỗ chạp về có ít món ăn vặt thì mẹ cũng tiện tay cất luôn vào cũi. Vậy nên, mỗi lần chạy chơi đâu về, theo thói quen, tôi luôn chạy thẳng “xuống bếp lục cũi”, dòm ngược dòm xuôi coi thử có món gì… mẹ giấu bên trong. Vớ được quả xoài, ổi, chuối, chiếc bánh… đương nhiên quá vui. Không có thì bới chén cơm nguội gắp miếng cá kho ăn đỡ. Với trẻ con, cái sự ăn luôn là chuyện… cực kỳ quan trọng. Vậy nên chiếc cũi bếp trong tâm thức tuổi thơ hệt như một vật kỳ diệu, chỉ cần “úm ba la mở cửa ra” là sẽ lập tức có thức món thỏa mãn cơn đói.

Chiếc cũi ấy đã mục nát lâu rồi, chỉ còn là hoài niệm ấu thơ mãi thành ký ức không quên. Sau này, lúc thành gia thất, ra ở riêng, tôi cũng thuê người đóng cho gia đình nhỏ của mình một chiếc cũi bếp, hình dáng tựa như chiếc cũi ngày nào của mẹ. Chiếc cũi ấy tới giờ tôi vẫn giữ, ngay ngắn đứng một góc bếp, cho dù giờ đã có thêm tủ lạnh, khiến công dụng bảo quản thức ăn của chiếc cũi không còn nhiều. Con cái chê xấu, đòi đem bỏ nhưng tôi không cho, rồi bảo, đây là vật gợi nhớ thương về tuổi thơ, ba muốn giữ lại, để nhắc nhớ về một thời gian khó.

Có thể bạn quan tâm