Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Vệt phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nương náu phố núi hơn 40 năm ròng nhưng hình như tôi chưa kịp hiểu hết những ngõ ngách thẳm sâu trong lòng phố.

Ngay cả đến cái quy luật tự nhiên của phố tôi cũng đứng giữa lằn ranh tỏ mờ trước những biến thiên thời tiết. Phố dường như không còn chỉ 2 mùa mưa nắng khi đã biết dìu dịu vào thu và ấm áp lúc xuân sang. Những biến chuyển này khiến cho phố dịu dàng hơn.

Có những niềm hoài cổ khởi lên trong lòng người xưa khi thấy những đổi thay đầy luyến nhớ. Cũng phải thôi, hình như người của phố xưa ai cũng muốn lưu hoài mảng ký ức tháng ngày phố còn e ấp, hoang sơ.

vet-phobg-8713.jpg
Minh họa: HUYỀN TRANG

Có những góc phố mang nặng trên mình bao nhiêu ký ức. Vết rêu in qua năm tháng trên những mảng tường lặng lẽ nép sau vỉa hè, gợi lên những cũ xưa. Nơi đó thấp thoáng năm tháng tuổi thơ của biết bao thế hệ. Người nhỏ lớn lên, người lớn già đi, người già đã hóa hư không, phố còn ở lại. Phố ôm ấp và chữa lành những vụn vỡ của lòng người trước “vật đổi sao dời”.

Tôi vẫn chẳng bỏ được thói quen dừng xe lấy điện thoại ra ghi lại những tảng rêu đang víu vào mảng tường loang lổ khi vô tình ngang qua một góc phố xưa nào đó, như một niềm hoài vọng. Thì ra, tôi cũng đã già đi từng ngày theo phố nên không tránh được những luyến lưu.

Phố khoác lên mình khoảng xanh của những tán cây cổ thụ bên đường như những chứng nhân. Hẳn là cũng có không ít người đi đếm tuổi của cây để ướm chừng tuổi phố. Cây vẫn đứng đó uy nghiêm, trầm mặc hàm ẩn những chiều sâu thăm thẳm mà cây từng chứng kiến qua bao thăng trầm đổi thay.

Không còn nhiều thân cổ thụ giữa lòng phố nhỏ. Đi hết đời cây rồi cũng phải hóa thân để những cây con lại tiếp tục vươn cành. Xen lẫn trong khoảng xanh phố thị là thế hệ cây tiếp nối để thực hiện sứ mệnh của mình. Lá phổi xanh ấy cứ theo mùa mà góp một phần không nhỏ vào cảnh quan xứ núi như một hiệp ước không bao giờ hết hạn. Phố vì thế mà được bao bọc chở che trong nét mềm mại trữ tình.

Góp vào vẻ yêu kiều ấy là những cung đường, dốc phố. Vũ Hữu Định đã đắm đuối sương giăng mà viết lên những câu thơ để đời “Phố núi cao phố núi đầy sương/Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn” (Một chút gì để nhớ). Đôi lúc vô tình lướt qua những khung hình, những video clip phố nhỏ bồng bềnh trong mây, trong núi, trong sương, trong nắng... của những người đem lòng yêu phố, mà thấy phố bình yên quá đỗi.

Phố trầm mặc với những người đã mang trong mình thứ tình yêu được đắp bồi qua thời gian. Khi mái tóc pha sương thì tình yêu ấy đã trở thành một phần không thể thiếu. Nhưng phố cũng đầy những hứa hẹn đổi thay trong góc nhìn của những người trẻ trở về. Hành trang ngày trở lại chứa biết bao hoài bão lớn lao và thanh xuân đẹp đẽ. Khu rừng sẽ được đan bện bởi những lớp cây vừa kịp trưởng thành góp thêm mạch ngầm nuôi dưỡng. Nên phố và tôi và chúng ta khấp khởi mừng thầm cho những ngày sau.

Tôi đã yêu phố bằng tình yêu của trái tim thiếu nữ. Nên mỗi góc phố đều neo vào lòng những ấm áp thân thương. Chẳng ngại ngần ngồi lại bên vỉa hè nhấp từng ngụm trà ấm lặng nhìn phố. Chẳng phiền giờ tan tầm đông đúc cộ xe mong ngóng trở về nhà. Tôi từ tốn nhấm nháp mỗi phút giờ trong lòng phố như đứa trẻ thơ nhận được sự cưu mang, ôm ấp, vỗ về. “Và như thế tôi sống vui từng ngày, và như thế tôi đến trong cuộc đời/đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi...” (Trịnh Công Sơn). Và tôi đã yêu vệt phố này bằng trái tim dịu dàng, đa cảm.

Có thể bạn quan tâm