Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Chiếc áo ấm cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mấy ngày nay trời trở lạnh. Mẹ lúi húi dọn tủ đồ, rồi lấy ra chiếc áo len đã cũ, phần ống tay đen nhẻm, lại còn bị bung chỉ một đoạn. Thay vì bỏ đi, mẹ vuốt ve rồi lấy kim chỉ ra khâu khâu vá vá.

Các con của mẹ giờ đã khôn lớn, chắc chẳng đứa nào còn nhớ đến chiếc áo len cũ kỹ này. Nhưng với mẹ, đây là chiếc áo gợi nhớ nhiều kỷ niệm về một thời gian khó, được mẹ nâng niu, giữ gìn. Lâu lâu nhìn lại để nhắc nhớ về một thời gian khó chẳng thể nào quên.

Mẹ không nhớ rõ chiếc áo len này mẹ đan năm nào, chỉ mang máng là khi ấy, con gái đầu chưa lên lớp một, mẹ mua len về móc áo cho con, để những ngày đông lạnh giá tới, con có áo ấm mặc khi đến trường.

Lớp một rồi đến lớp hai, lớp ba, mỗi năm chị chỉ nhỉnh hơn chút về chiều cao nên cứ đến mùa Đông là mẹ lại lấy chiếc áo len ấy ra cho chị mặc. Là con gái nhưng chị nghịch lắm, bởi vậy mà chiếc áo len mẹ đan cũng năm lần bảy lượt rách len, đứt chỉ. Tối đến, khi con cái đã ngủ say trong chăn ấm, mẹ lại lúi húi ngồi lựa từng sợi len “dặm” lại chỗ rách, khâu lại những chỗ bị bung chỉ.

Hết mùa lạnh, chiếc áo len của chị được mẹ giặt giũ, phơi khô, rồi xếp ngay ngắn trong chiếc rương gỗ đặt ở góc buồng. Ngày ấy, chẳng có tủ đựng đồ như bây giờ, chiếc rương là nơi được ba mẹ cất giữ những món đồ được xem là quý giá nhất trong nhà, trong đó có chiếc áo len của chị.

chiec-ao-am-cudd-7069.jpg
Không khí lạnh tràn về nhớ chiếc áo ấm ngày xưa của mẹ. Ảnh minh họa

Năm chị lên lớp ba, đứa em kế vào lớp một, mẹ đan chiếc áo mới cho chị, còn chiếc áo len cũ để lại cho em. Qua mấy mùa Đông, em vẫn vui vẻ mặc chiếc áo len cũ của chị, cho đến khi chiếc áo ngắn cũn cỡn rồi mới được mẹ thay áo mới. Và rồi, chiếc áo len ấy tiếp tục được mẹ giặt giũ, gấp gọn gàng, xếp ngay ngắn trong rương gỗ để dành cho đứa em kế tiếp đang chuẩn bị vào lớp một.

Cứ như thế, em lại mặc lại đồ của chị. Đứa nhỏ chẳng bao giờ có được chiếc áo len mới. Nhưng có lẽ vì hiểu hoàn cảnh gia đình mà chẳng đứa nào có ý phân bì phân lê gì.

Áo len đan bằng tay rất dày dặn, trải qua bao năm tháng, sợi len có bị xù lên, giãn ra, bạc màu, nhưng mà mặc vẫn ấm lắm. Mỗi năm, khi gió se se lạnh tràn về, mẹ lại mở chiếc rương gỗ ra, lấy những chiếc áo len cũ kỹ ấy cho con.

Và lạ thay, chúng vẫn ấm áp, hẳn là vì trong từng sợi len đều có hơi ấm từ bàn tay và tình yêu thương của mẹ.

Sáng nay, mẹ lúi húi dọn tủ đồ, rồi lấy ra chiếc áo len đã cũ, phần ống tay đen nhẻm, lại còn bị bung chỉ một đoạn. Thay vì bỏ đi, mẹ vuốt ve rồi lấy kim chỉ ra khâu khâu vá vá, dù mẹ biết rằng khâu vá vậy cho vui, chứ áo cũ rồi, chắc chẳng đứa cháu nào chịu mặc.

Mẹ thử khoác chiếc áo len cho đứa cháu gái vừa bước vào lớp một, bé có vẻ thích thú lắm khi nghe bà nói đây là chiếc áo ngày nhỏ của mẹ và mấy dì. Nhưng được một lúc, bé nhận ra chiếc áo đã quá cũ rồi, nên nũng nịu nói với bà: “Mẹ con mua cho con nhiều áo đẹp lắm rồi”.

Mẹ cười, tỏ vẻ hiểu ý đứa cháu gái: “Bà khoác để xem cháu bà lớn chừng nào rồi, chứ chiếc áo này đã quá cũ, đã mấy mươi năm rồi”.

Đứa cháu nhìn bà vẻ thắc mắc: Áo cũ quá rồi sao bà không bỏ đi? Mẹ con nói nếu áo cũ quá rồi thì sẽ thay áo mới.

Mẹ nói với cháu: Hồi đó nhà nghèo, một chiếc áo ấm phải giữ gìn thật kỹ để sử dụng cho nhiều người cháu à. Bây giờ thì để làm kỷ niệm.

Đứa cháu vốn hay đòi bà kể chuyện ngày xưa, nay nghe vậy lại nằng nặc đòi bà kể chuyện về chiếc áo len cũ kỹ.

2chiecao-7624.jpg
Đan áo len. Ảnh minh họa

Mẹ vừa khâu vá chiếc áo len cũ vừa kể chuyện ngày xưa cho cháu, nhưng không phải là những câu chuyện cổ tích mà là câu chuyện đời thật của những năm tháng gian khó một thời của gia đình, chuyện bà đã thức bao đêm để tự tay đan những chiếc áo len cho các con như thế nào.

Đứa cháu ngồi nghe bà kể chuyện một cách say sưa, lâu lâu lại thắc mắc hỏi những câu ngây ngô của con nít khiến cho câu chuyện của hai bà cháu thêm phần vui vẻ, thêm phần ấm áp.

Rồi bà nói với cháu, bây giờ điều kiện đủ đầy, mỗi khi trời trở lạnh, ngoài thị trường bày bán nhiều mẫu mã áo ấm bằng các chất liệu khác nhau như len, kaki, dù, nỉ, dạ, mỗi kiểu áo mang một vẻ đẹp riêng. Những chiếc áo len đan tay như thời của bà không còn xuất hiện nhiều.

Nghe bà kể đến đây, đứa cháu dường như hiểu ra: “Vì vậy nên bà luôn muốn giữ lại chiếc áo len cũ để làm kỷ niệm đúng không ạ?” Gương mặt bà rạng rỡ, ánh lên niềm vui khi cháu phần nào hiểu chuyện.

Bây giờ, mỗi khi trời bắt đầu trở lạnh là các con lại mua cho mẹ thêm những chiếc áo ấm thật đẹp. Nhưng mẹ không lấy đó làm vui mà thường mang câu chuyện về chiếc áo ấm cũ mẹ đan cho các con ra để kể. Với mẹ, mỗi khi kể lại những chuyện thời gian khó không có ý gì khác ngoài muốn nhắc nhở bản thân mình và các con phải biết trân quý giá trị đồng tiền mà mình làm ra, phải biết tiết kiệm hơn.

Nhưng mẹ đâu biết rằng, mẹ càng kể, các con càng thấy thương mẹ nhiều hơn, càng muốn bù đắp lại cho mẹ những ngày vất vả.

Theo SÔNG CÔN (baokontum)

Có thể bạn quan tâm