Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chính quyền cơ sở ở Gia Lai còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm thu thập ý kiến đánh giá của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai vừa tiến hành điều tra dư luận xã hội với quy mô 1.000 phiếu được phân bổ tại 48 xã, phường, thị trấn thuộc 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả điều tra cho thấy, bên cạnh những mặt hoạt động được cán bộ, đảng viên và người dân đánh giá khá tốt thì chính quyền cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục.
Thẳng thắn đánh giá hoạt động của chính quyền cơ sở
Theo kết quả điều tra, nhiều mặt hoạt động của chính quyền cơ sở thời gian qua được cán bộ, công chức và người dân đánh giá đạt hiệu quả cao. Cụ thể, 57,9% số người được khảo sát đánh giá chính quyền đã thực hiện tốt công tác phối hợp, triển khai các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng-chống dịch bệnh ở địa phương. Tỷ lệ này đối với hoạt động triển khai công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân khó khăn là 56,4%; việc triển khai các chính sách về giáo dục, văn hóa (53,4%); xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (53,3%); đảm bảo an ninh, trật tự xã hội ở địa phương (51,8%); tổ chức tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân (50,2%); giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đời sống của người dân (50%).
Những lĩnh vực hoạt động của chính quyền cơ sở mà dưới 50% cán bộ, công chức và người dân đánh giá hoạt động hiệu quả cao gồm: triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông (49%); tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật cho người dân nắm và thực hiện (48,3%); tổ chức điều hành, triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương (44,6%); quản lý hành chính, trật tự trong xây dựng, môi trường ở địa phương (36,9%); thực hiện các loại dịch vụ công trực tuyến (35,4%); công tác quản lý đất đai ở địa phương (35,7%). Các hoạt động của chính quyền cơ sở được đánh giá hiệu quả khá như: quản lý hành chính, trật tự trong xây dựng, môi trường ở địa phương (44,6%); tổ chức điều hành, triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương (43,4%). Trong khi đó, nhiều người được hỏi đánh giá hiệu quả hoạt động trung bình ở một số nội dung: thực hiện các loại dịch vụ công trực tuyến (20,7%); quản lý hành chính, trật tự trong xây dựng, môi trường ở địa phương (16,9%); quản lý đất đai (16,7%). Đáng chú ý, tỷ lệ người được hỏi đánh giá hoạt động của chính quyền địa phương không hiệu quả chỉ chiếm từ 0,5% đến 3,8% ở nhiều nội dung. Trong đó, nội dung có tỷ lệ đánh giá không hiệu quả cao nhất là thực hiện các loại dịch vụ công trực tuyến (3,8%).
Công chức xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Nhật
Công chức xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Nhật
Kết quả điều tra cũng cho thấy, có 6 hạn chế trong hoạt động của chính quyền cơ sở được người dân chỉ ra với tỷ lệ phiếu cao gồm: trang bị, phương tiện làm việc của cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu (51,9%); đội ngũ cán bộ thiếu, không thể giải quyết nhanh công việc ở cơ sở (49,8%); năng lực, phẩm chất của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu (38,4%); ít áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền (32,7%); cán bộ ít quan tâm tiếp xúc, tìm hiểu, giải quyết thỏa đáng các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân (27,1%); cán bộ cơ sở còn biểu hiện quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu người dân (15,3%). Từ kết quả điều tra có thể thấy, hiện nay, phương tiện làm việc và nguồn nhân lực để đảm bảo hoạt động của chính quyền cơ sở còn ở mức trung bình. Đây là điểm cần quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. Liên quan đến các hạn chế trên, nhiều ý kiến tham gia điều tra cho rằng cán bộ bộ phận một cửa giải quyết hồ sơ chưa kịp thời, vẫn còn những cán bộ có biểu hiện thái độ quan liêu, hách dịch, làm việc chưa khoa học, thiếu nhạy bén, ứng xử chưa hòa nhã với người dân.
Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong hoạt động của chính quyền cấp xã thời gian qua, có 50,3% người được hỏi đánh giá là do năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chậm phát hiện và giải quyết những vấn đề bức xúc trong dân. Tỷ lệ đánh giá do việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, trong cải cách thủ tục hành chính chưa đồng bộ và hiệu quả là 43,6%; vai trò giám sát của Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội chưa được phát huy đầy đủ (35,2); công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả cao (34,1%); việc minh bạch thông tin của chính quyền với người dân chưa được thực hiện thường xuyên (33,9%); tác phong làm việc, thái độ giao tiếp, ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính với công dân còn hạn chế (32,5%); người dân chưa tin tưởng vào kết quả giải quyết của chính quyền địa phương về những vấn đề người dân quan tâm (31,2%); trách nhiệm giải quyết công việc của chính quyền cơ sở chưa được thực hiện đúng mức, còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh (24,1%); chưa xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân (23%); vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp chưa hiệu quả, còn hạn chế (20,5%).
Mong muốn từ người dân
Bên cạnh thu thập ý kiến đánh giá, cuộc điều tra dư luận xã hội cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất của cán bộ, đảng viên và người dân về những giải pháp để góp phần cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã trong thời gian tới. Theo đó, 77,4% số người được hỏi chọn giải pháp tăng cường quán triệt, giáo dục để nâng cao nhận thức về chức trách, nhiệm vụ, đạo đức trong thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã; 76,1% chọn giải pháp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở, chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phải được cụ thể hóa trong mỗi chương trình, trong từng kế hoạch, dự án... một cách rõ ràng, cụ thể; 74,1% cho rằng chính quyền cần tăng cường thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận; 70,4% chọn giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã…
Bên cạnh đó, người dân mong muốn tỉnh tập trung chỉ đạo, nâng cao hơn nữa chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), từng bước cải thiện chất lượng quản trị và hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của chính quyền cấp cơ sở, hướng đến phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính một cách đồng bộ và hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cải cách hành chính, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.
Đồng thời, người dân đề nghị cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp. Tiếp tục có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn, các kỹ năng giao tiếp, tác phong ứng xử với công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp. Nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền các cấp, nhất là ở cấp xã về chức trách, nhiệm vụ trong thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tôn trọng, lắng nghe người dân, tận tụy phục vụ người dân khi đến giải quyết các thủ tục hành chính và các nhu cầu chính đáng khác. Phát huy dân chủ cơ sở, thực hiện nghiêm túc đầy đủ các yêu cầu về công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân theo đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần tăng cường tham gia kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân về vai trò là chủ, làm chủ trong quản lý nhà nước và xây dựng chính quyền phục vụ người dân, quyền và trách nhiệm công dân trong tham gia xây dựng chính quyền. Tăng cường công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở cơ sở, nhất là những chương trình, dự án, công trình liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân.
TỐNG THỚI MỐC

Có thể bạn quan tâm