(GLO)- Từ tối 2-10 đến nay, hàng ngàn công dân Gia Lai và các tỉnh, thành khác từ khu vực phía Nam tất tả trở về quê để tránh dịch Covid-19 qua ngả quốc lộ 14. Vì thế, tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh) đông nghẹt người. Ngành chức năng tổ chức phân luồng, dẫn đường qua địa phận tỉnh và hỗ trợ thực phẩm cho số công dân này.
Lực lượng Công an hướng dẫn công dân trước khi đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tấn Tú |
Theo quan sát của chúng tôi, có hàng ngàn lượt người tập trung tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch khu vực cầu 110 để khai báo y tế, kiểm tra dịch tễ trước khi được dẫn đường đi ngang qua địa phận Gia Lai trở về quê hoặc đưa đi cách ly tập trung đối với người dân ở các địa phương trong tỉnh. Trong ngày 3-10, dù huyện Chư Pưh và ngành chức năng của tỉnh đã nhanh chóng triển khai lực lượng nhưng vì lượng công dân đổ về mỗi lúc một đông cùng với lưu lượng phương tiện qua lại nhiều khiến chốt kiểm soát phòng-chống dịch khu vực cầu 110 bị ách tắc giao thông.
Tại gốc cây ven đường, một nhóm công dân ở xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) chờ làm thủ tục khai báo y tế. Gạt những dòng mồ hôi túa ra trên khuôn mặt ửng đỏ vì nắng nóng, ông Đào Văn Hiển bộc bạch: “Do giá nông sản bấp bênh nên vợ chồng tôi vào Bình Dương làm thuê. Tôi đi làm bảo vệ, còn vợ làm công nhân. Chúng tôi mới vào làm được hơn 1 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát khiến công ty phải tạm ngưng hoạt động. Dù tỉnh Bình Dương có hỗ trợ 2 đợt nhu yếu phẩm nhưng không đủ cho việc ăn uống hàng ngày. Công ty không trả lương, không còn tiền để mua thức ăn và trả tiền phòng trọ, vợ chồng tôi phải chạy xe máy về. Chúng tôi chạy xe từ tối qua đến 10 giờ trưa nay thì về đến địa phận tỉnh Gia Lai. Tôi đang chờ để tới lượt làm thủ tục khai báo y tế”.
Tương tự, em Phạm Thành Danh (xã Ia Hrung) cùng người dì điều khiển xe máy từ tỉnh Bình Dương về đến địa phận tỉnh lúc 11 giờ trưa 3-10. Danh tâm sự: “Hai dì cháu vào làm công nhân ở tỉnh Bình Dương hơn 1 tháng rồi. Dù chỗ em ở thuộc "vùng xanh" và được tiêm 1 mũi vắc xin, nhưng thấy dịch vẫn diễn biến phức tạp, nếu ở lại thêm thì không còn tiền để trang trải chi phí sinh hoạt nên quyết định quay về”.
Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã hộ tống 3 đoàn công dân đi qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Tấn Tú |
Mặc dù chưa biết tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận người về từ vùng dịch không nhưng anh Lò Khăm Trực (huyện Quan Hóa) vẫn quyết định khăn gói về quê. “Tôi làm công nhân trong khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát thì công ty cho nghỉ không lương. 4 tháng qua, tôi không có thu nhập, trong khi tiền thuê trọ vẫn phải trả (chỉ được chủ trọ hỗ trợ điện nước) nên cuộc sống rất khó khăn. Sau khi TP. Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, người dân đổ về nhiều. Thấy vậy, tôi theo đoàn người chạy xe máy về theo luôn. Tôi đến cầu 110 từ lúc 22 giờ 30 phút ngày 2-10 và được lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai hỗ trợ đồ ăn, thức uống, bố trí chỗ nghỉ ngơi. Giờ được lực lượng chức năng dẫn đường đi qua địa bàn tỉnh để tiếp tục hành trình về quê. Hy vọng sẽ về đến nhà an toàn”-anh Trực chia sẻ.
Đại úy Nguyễn Việt Hòa-Phó Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Chư Pưh), Chốt trưởng chốt kiểm soát phòng-chống dịch khu vực cầu 110-thông tin: “Từ tối 2-10 đến nay, lượng người đổ về rất đông và dự kiến còn tăng cao trong những ngày tới. Chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng để phân luồng, điều tiết giao thông, phối hợp kiểm tra yếu tố dịch tễ, hướng dẫn khai báo y tế cũng như hỗ trợ nước uống, thức ăn cho công dân. Bên cạnh đó, chốt cũng được Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tăng cường lực lượng xuống hỗ trợ và dẫn đường công dân qua địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã hộ tống 3 đoàn với hơn 6.000 người đi qua địa bàn tỉnh và chuẩn bị dẫn thêm các đoàn khác”.
Lực lượng chức năng huyện Chư Pưh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát thức ăn cho công dân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Ảnh: Tấn Tú |
Có mặt tại chốt cầu 110, ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: “Tôi và đồng chí Bí thư Huyện ủy có mặt ở đây từ sáng sớm để trực tiếp chỉ đạo các lực lượng của huyện đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục cho công dân. Đối với những công dân Gia Lai, chúng tôi tổ chức phân loại, đánh giá yếu tố dịch tễ và ra quyết định cách ly tập trung với 230 người trở về từ vùng có dịch. Theo dự báo, trong những ngày tới, lượng người về còn rất đông. Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo, động viên các lực lượng nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục cho bà con được sớm về quê”.
Lực lượng chức năng huyện Chư Pưh trao các suất ăn, nước uống cho công dân. Ảnh: Tấn Tú |
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thì đa số người dân đều là công nhân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam và có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, bên cạnh suất ăn nhanh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ thì huyện cũng đã xuất ngân sách mua thêm 2.000 gói lương khô, nước uống để hỗ trợ công dân.
Ông Phạm Văn Bình-Trưởng ban Phong trào (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh): “Đa phần công dân trở về từ các tỉnh phía Nam có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo cấp 1.000 suất ăn cho công dân trong thời gian chờ đợi làm thủ tục tại chốt. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng của huyện để cấp phát cho công dân”. |
THIÊN DI - QUANG TẤN