Chủ động phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu tháng 2-2017 trở lại đây, tại TP. Pleiku, số ca mắc bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng. Trong số này, nhiều trường hợp rơi vào trẻ nhỏ.

Bệnh đau mắt đỏ hầu như xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát từ đầu hè đến cuối thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao… Tuy nhiên, thời tiết thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân khiến bệnh đau mắt đỏ có xu hướng tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017.

 

Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Internet
Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Internet

Dắt con đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku, chị Nguyễn Thị Trà (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: “Giữa tuần qua, đón con trai 4 tuổi tại nhà trẻ về đã thấy mắt cháu hơi bị đỏ một bên mắt. Mình cũng khá chủ quan khi nghĩ rằng chắc bụi bay vào mắt hoặc do con dụi tay nên mắt mới bị đỏ. Về nhà mình cũng đã mua nước muối sinh lý và nhỏ mắt cho cháu. Mấy hôm sau, thấy mắt con chưa hết đỏ nhưng vì phải đi làm nên mình vẫn gửi cháu đến nhà trẻ. Tối chủ nhật vừa qua, mắt con có vẻ sưng và đỏ cả 2 bên kèm theo sốt nhẹ và nổi hạch sau tai. Khi ngủ dậy cháu than mắt đau nhức không mở nổi vì bị nhiều ghèn khô bám chặt. Mình bế con đến khám tại đây mới thấy một số người cũng bị đau tương tự như vậy”.

Số ca mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chỉ là một phần nhỏ, vì thực tế nhiều người chủ quan cho rằng đau mắt đỏ là bệnh lành tính, có thể tự khỏi nên ngại đến khám tại cơ sở y tế mà tự ý điều trị tại nhà. Chỉ khi bệnh có chiều hướng nặng, gây khó chịu hoặc bắt đầu có biến chứng họ mới đến cơ sở y tế khám-chữa bệnh.

Theo ThS. Phạm Thanh Dũng-Trưởng khoa Mắt (Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội), đau mắt đỏ-còn gọi là viêm kết mạc-là bệnh do virus adeno gây nên. Dấu hiệu chính là mắt đỏ và có ghèn, mắt sưng, chảy nước mắt... Thông thường người bệnh đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Buổi sáng ngủ dậy, người bệnh khó mở mắt do nhiều dử ghèn dính chặt. Tùy tác nhân gây bệnh, dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng. Ngoài ra, cũng có thể có thêm các triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai ở người bệnh đau mắt đỏ. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh đau mắt đỏ, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày; tuy nhiên nếu tự ý điều trị không đúng cách, bệnh có thể kéo dài. ThS. Dũng khuyến cáo: Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế hoặc các bác sĩ chuyên khoa mắt để khám, không nên tự mua thuốc điều trị, đặc biệt là các loại thuốc chứa corticoid để tránh biến chứng có thể xảy ra. Khi bị bệnh, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Nếu là học sinh thì nên nghỉ học để tránh lây nhiễm cho bạn cùng lớp.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm