Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chư Pah: Dân khổ vì ruộng bị cát vùi lấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 2 tháng qua, mưa liên tục kéo dài khiến cát theo nước tràn vào ruộng, vùi lấp hơn 100 ha lúa nước của người dân ở một số xã trên địa bàn huyện Chư Pah, Gia Lai. Tuy nhiên, điều oái oăm là khi người dân muốn cào dọn đổ cát đi nơi khác để cải tạo lại ruộng sản xuất thì bị ngăn cấm, xử phạt do liên quan đến vấn đề khai thác cát trái phép.
Hơn 100 ha lúa bị cát vùi lấp
Có mặt tại cánh đồng 2 làng Mrông Ngó 3 và 4 (xã Ia Ka), ông Ksor Vek-Trưởng thôn Mrông Ngó 4-thở dài: “Sau những trận mưa kéo dài liên tiếp, cát từ thượng nguồn đổ về bồi lấp ruộng lúa vùng thấp trũng. Nhà mình có 3 sào lúa thì bị cát lấp mất trắng gần 1 sào. Theo lịch thì chỉ còn hơn 2 tháng nữa là lúa cho thu hoạch, nhưng ruộng lúa bị thiệt hại như thế này thì năm nay kể như đói rồi”. 
 Ruộng lúa của người dân làng Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) bị cát vùi lấp. Ảnh: Đ.Y
Ruộng lúa của người dân làng Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) bị cát vùi lấp. Ảnh: Đ.Y
Chị Rơ Châm Thí (làng Mrông Ngó 3) cho biết, 3 ngày qua, 2 chị em làm cật lực để dọn rác, cành cây trên 2 sào lúa, trong đó quá nửa diện tích bị cát vùi lấp. “Cuộc sống của gia đình mình chỉ trông chờ vào 2 sào lúa, nhưng năm nay, lúa bị vùi lấp thế này thì lấy gạo đâu mà ăn. Hơn nữa, muốn có ruộng để sản xuất lại thì phải tốn nhiều công sức và thuê máy hút cát đi mới gieo trồng được”.
Tại xã Ia Khươl, diện tích lúa bị thiệt hại do cát bồi lấp ước tính khoảng 40 ha, nặng nề nhất là cánh đồng các làng Bok, Rơ Vai... Ông Rơ Châm HLiuh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Khươl-cho biết: Cánh đồng làng Bok rộng khoảng 6 ha đã được người dân gieo sạ hơn 2 tháng qua. Cây lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh thì bị thiệt hại. “Vừa rồi, gia đình tôi thuê cày đất hết 15 triệu đồng để trồng lúa. Vậy mà giờ đây, toàn bộ đều bị cát vùi lấp hết. Vụ trước, với 3 sào lúa này, gia đình tôi thu hoạch được 20 bao thóc”-ông HLiuh chia sẻ.
Trao đổi với P.V, ông Đặng Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah-cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3 kèm theo mưa lớn kéo dài, trên địa bàn huyện có tình trạng cát từ các con suối chảy theo nước tràn vào vùng trũng, làm cho hơn 100 ha lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh bị vùi lấp. Một số xã có nhiều diện tích bị thiệt hại nặng gồm: Ia Nhin, Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Kreng, Ia Khươl, Ia Phí, Hà Tây và thị trấn Ia Ly... Phòng đã cử cán bộ xuống các xã nắm tình hình thực tế để có giải pháp hỗ trợ người dân ổn định sản xuất.
Cần giải pháp khôi phục đất hiệu quả 
Tình trạng hàng trăm héc ta lúa của người dân bị cát vùi lấp đã diễn ra cả tháng qua. Tuy nhiên, người dân lại không được tự ý thuê máy múc cải tạo lại ruộng do bị chính quyền ngăn cấm, xử phạt vì liên quan đến vấn đề khai thác cát trái phép.
Ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah-khẳng định: “Người dân cải tạo, loại bỏ cát để canh tác trên ruộng lúa bị cát vùi lấp là chính đáng. Tuy nhiên, theo quy định, đây là khu vực nghiêm cấm khai thác, hút cát dưới mọi hình thức. Để xảy ra tình trạng người dân hút cát thì tỉnh sẽ quy trách nhiệm cho huyện. Do đó, mặc dù huyện đã biết hàng trăm héc ta lúa của người dân bị cát vùi lấp, có những địa điểm cát dày hàng mét, dân muốn hút vét để khôi phục lại đất sản xuất nhưng vướng quy định. Thêm nữa, người dân hút cát đổ lên bờ nhưng không gom lại thì sau một vài trận mưa, cát lại tràn ra ruộng. Việc cải tạo này tốn công sức, tiền của mà không mang lại hiệu quả. Còn nếu thuê máy múc đến hút cát đem đi đổ ở nơi khác thì cũng lại không đúng quy định”.
Trước thực trạng này, ngày 31-7-2018, UBND huyện Chư Pah có Công văn số 2187 đề xuất với tỉnh phương án “tận thu cát, đá, đất nhằm cải tạo ruộng và đất sản xuất của người dân” ở những cánh đồng thường xuyên xảy ra tình trạng cát vùi lấp để tỉnh xem xét hướng xử lý, giúp người dân yên tâm sản xuất. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Chư Pah và các cơ quan liên quan kiểm tra tình hình, đề xuất hướng giải quyết trước ngày 20-8-2018.
Theo ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah: “Giải pháp tận thu cát bồi lấp ruộng của người dân rất cần có cơ chế riêng. Vì đặc thù địa hình Chư Pah, cứ mưa là cát theo nguồn nước bồi lấp ruộng vùng trũng. Nên chăng những địa điểm có ruộng lúa bị cát vùi lấp nhiều thì cấp phép khai thác cát, giao cho huyện giám sát. Đơn vị, cá nhân nào có nhu cầu tận thu cát thì phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Như vậy, huyện sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý, hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn. Người dân cũng không còn phải khốn khổ mỗi khi mùa mưa đến, cát vùi lấp ruộng lúa làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống”.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm