(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều người dân tại các làng Díp, Duch 1 và Duch 2 (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) rủ nhau tới các hồ thủy điện trên địa bàn để đào mót gốc gỗ quý bán cho một số đối tượng người Kinh, gây nên tình trạng mua bán, trao đổi lâm sản trái phép phức tạp.
4 khúc gốc và rễ gỗ cẩm vừa được Klock đào mót về. Ảnh: Hải Lê |
Anh Siu Klock (làng Duch 1, xã Ia Kreng) là một trong số những người tham gia đào mót gốc gỗ quý tại các khu vực ven bờ của lòng hồ thủy điện Sê San 3 và Sê San 3A. “Chủ yếu đào gốc gỗ còn sót lại dưới lòng đất khi người ta làm thủy điện. Người ta săn lùng mua gốc gỗ cẩm, hương, cà te thôi nên chủ yếu mình tìm các loại này. Tụi mình cứ lập thành các tốp vài ba người cùng đi đào, xong lại dùng xe máy độ chế chở về nhà là có người tới mua. Lâu nay chỉ trừ ngày mùa màng, còn mình làm việc này vì nó đem lại thu nhập khá”-anh Klock nói.
Theo lời Klock, đàn ông trai tráng trong làng Duch 1 đi đào mót gốc như anh rất nhiều. Trước đây ít người tìm, gốc còn nhiều nên đào dễ trúng, giờ người đi đào đông, gốc đào mãi cũng vơi bớt nên ngày may mắn tìm được gốc, cũng có hôm đào cũng chỉ mất công. “Gốc gỗ thường nằm sâu 1-2 mét dưới lòng đất. Mình dùng cuốc, thuổng, xẻng để đào và đưa lên. Mùa nước cạn, lộ ra nhiều khu vực còn gốc rễ nằm sâu dưới đất nên người làng kiếm được gỗ nhiều hơn. Năm nay ít mưa nên nước hồ không dâng cao, người làng vẫn đi đào bình thường, dù đang giữa mùa mưa”-Puih Tên, một người khác tham gia đội quân mót gốc gỗ ở làng Duch 1, nói.
Theo các anh, trước đây, người dân trong làng không biết việc này. “Mấy người vào làng buôn bán đặt vấn đề, rồi mọi người chỉ nhau. Bây giờ, gỗ đào mót được tới đâu là có người đến hỏi mua tới đấy. Trước họ chỉ lùng mua gốc cây thôi, càng to càng được giá. Giờ thì cả nhánh rễ họ cũng mua, tuy giá rẻ hơn. Họ mua về để làm tượng và các đồ trang trí”-Puih Tên nói thêm.
Làng Duch 1 vẫn còn là ngôi làng Jrai khá thuần chất nằm cách trung tâm xã Ia Kreng chừng 2 km. Người dân trong làng chủ yếu sống bằng nương rẫy và thừa hưởng một số sản vật từ rừng, như: măng, chuối… Già làng Siu Uyn cho biết: Già không biết có chuyện đàn ông trong làng đi mót gỗ. “Mót gỗ như vậy là vi phạm pháp luật. Họp làng lúc nào mình cũng căn dặn bà con, không được phá rừng, chặt cây. Ai chặt gỗ, mua bán gỗ phải có giấy phép của chính quyền”-già Uyn nói.
Là xã mới thành lập 6 năm, Ia Kreng vẫn còn là xã đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 3 làng: làng Díp, Duch 1 và Duch 2 với 447 hộ, 1.776 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 46,3%; 131 hộ cận nghèo, chiếm 29,3%; thu nhập bình quân đầu người 8,6 triệu đồng/năm. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề người dân các làng tham gia đào mót gỗ tại các hồ thủy điện, ông Nguyễn Hồng Tánh-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng thừa nhận có hiện tượng trên. “Chính quyền xã đã tổ chức nhiều đợt họp dân để tuyên truyền, vận động người dân không nên khai thác hay vận chuyển lâm sản trái phép. Đồng thời, nhắc nhở một số đối tượng người Kinh đến các làng mua bán, trao đổi hàng hóa không nên thu mua gốc gỗ, tránh làm phức tạp tình hình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú tâm hơn tới vấn đề này và có biện pháp cứng rắn hơn”-ông Tánh nhấn mạnh.
Hải Lê