(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường từ ngã ba Sê San đi xã Ia Kreng.
Như Báo Gia Lai Điện tử đã đưa tin, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã gây sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường từ ngã ba Sê San vào xã Ia Kreng (huyện Chư Pah, Gia Lai) và làm cô lập hoàn toàn xã Ia Kreng với các xã lân cận. Theo báo cáo của UBND xã Ia Kreng, ngày 24-7, trên tuyến đường trục chính của xã đi làng Díp (từ Km 19 đến Km 25) có 14 điểm sạt lở, ước tính có khoảng 1.000 m3 đất đá, cây cối đổ xuống chắn ngang đường, gây sạt lở taluy khiến giao thông tắc nghẽn. Đến sáng 25-7, cũng trên tuyến đường này, từ Km 8 đến Km 15 hướng ra trung tâm huyện có thêm 2 điểm sạt lở nữa làm cho xã Ia Kreng bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, trên các tuyến đường nội thôn, tình trạng sạt lở còn gây thiệt hại nhiều diện tích nương rẫy, hoa màu của người dân.
Các máy múc làm việc hết công suất để giải phóng mặt đường giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: L.N |
Ông Rơ Châm Hùng (làng Díp) cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy sạt lở nhiều như thế. Cũng may là khi xảy ra vụ lở đất không có ai đi làm rẫy qua đây. Cả ngày 25-7 và đến sáng 26-7, chúng tôi vẫn không thể lên rẫy được vì giao thông ách tắc. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng triển khai làm các bờ kè để tránh bị sạt lở đất đá gây nguy hiểm cho người đi đường”.
Ngay sau khi tình trạng sạt lở đất đá xảy ra, UBND huyện Chư Pah đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phối hợp với Công ty Thủy điện Ia Ly huy động các loại máy móc, phương tiện nhanh chóng khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết: “Hiện có 6 xe ủi và máy múc đang san gạt, thông tuyến. Đến khoảng 10 giờ ngày 26-7, các điểm sạt lở cơ bản đã được san ủi giúp người dân đi lại bình thường. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Ia Kreng tiến hành làm ngay các biển cảnh báo sạt lở đặt ở những nơi nguy hiểm; đồng thời điều động lực lượng chức năng dùng máy cưa cắt các cây lớn ven đường có nguy cơ ngã đổ; gửi văn bản cảnh báo xuống các thôn, làng nhằm tuyên truyền cho người dân tránh đi qua các khu vực nguy hiểm khi lên nương rẫy”.
Theo quan sát của P.V, trên tuyến đường này vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở rất lớn. Trên nhiều sườn đồi xuất hiện những khe nứt lớn, nước vẫn chảy từ đó xuống đường. Nếu thời gian tới tiếp tục có mưa thì rất dễ xảy ra lở đất, đá. Trước thực tế trên, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh khi xảy ra mưa bão.
Hải Nam