Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Pah liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, huyện Chư Pah (Gia Lai) đã phê duyệt triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê, cây dược liệu và nuôi heo rừng lai. Những dự án này nhằm giúp người dân sản xuất ổn định và nâng cao thu nhập.
Dự án liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm heo rừng lai theo chuỗi giá trị được huyện Chư Pah phê duyệt thực hiện từ tháng 5-2019 đến tháng 5-2022 do Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân (xã Ea Tyh, huyện Ea Kar, tỉnh Đak Lak) là đơn vị thực hiện với 232 hộ dân ở các xã Chư Đang Ya, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Ia Nhin tham gia. Tổng kinh phí dự án là hơn 6 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng, vốn nhân dân đối ứng hơn 2,8 tỷ đồng và vốn HTX đối ứng gần 1,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Trìu (thôn 5, xã Nghĩa Hưng), một trong những hộ tham gia dự án, cho biết: “Chúng tôi được tập huấn và đã chuẩn bị chuồng trại xong, chỉ đợi có heo giống đưa về là bắt đầu nuôi. Mỗi hộ được hỗ trợ 2 con heo rừng lai sinh sản và cứ 5 hộ được cấp 1 con heo đực giống. Hy vọng với mô hình mới này, chúng tôi sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định”.   
 Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Chư Pah. Ảnh: L.N
Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Chư Pah. Ảnh: L.N
Ông Ngô Trọng Phượng-Giám đốc HTX Nông-Lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân-cho biết: Hiện HTX đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện và các xã khảo sát, chọn hộ tham gia, đặc biệt ưu tiên những hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ đã được tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi và cũng đã làm chuồng trại nhưng do bệnh dịch tả heo châu Phi nên chưa thể đưa heo giống về nuôi mà phải chờ công bố hết dịch. “Mô hình nuôi heo rừng lai không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật và rất phù hợp với trình độ của bà con. Khi nuôi, bà con có thể tận dụng những loại thức ăn như rau, bắp, khoai lang, mì... nhưng phải đảm bảo sạch và an toàn. Sản phẩm heo rừng lai của bà con được HTX bao tiêu với giá tối thiểu 120 ngàn đồng/kg heo hơi hoặc bằng với giá thị trường. Theo tính toán của chúng tôi, mỗi tháng, 2 con heo có thể tăng trọng lượng được 8 kg, trong khi đó chi phí chỉ hết 240 ngàn đồng thức ăn. Như vậy, với giá như hiện nay là 150 ngàn đồng/kg heo hơi thì nuôi 2 con heo rừng lai, người dân có thể lãi 800-900 ngàn đồng/tháng”-ông Phượng nhẩm tính.    
Bên cạnh đó, huyện cũng đã phê duyệt dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020. Dự án được giao cho HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ và Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông thực hiện với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chương trình nông thôn mới hơn 1 tỷ đồng, vốn đối ứng của HTX hơn 48,4 triệu đồng, vốn nhân dân đối ứng hơn 5,7 tỷ đồng. Quy mô dự án là 121 ha của 121 hộ dân trên địa bàn xã Ia Mơ Nông và Ia Ka tham gia. Các hộ này được tập huấn kỹ thuật và được hỗ trợ một phần vật tư thiết yếu để chăm sóc cà phê. Sản phẩm cà phê sau thu hoạch sẽ được HTX bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn 3-5% so với thị trường. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ và Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông-cho biết: “Việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Qua việc triển khai dự án sẽ hình thành chuỗi liên kết giữa nông hộ với HTX; từng bước hình thành vùng nguyên liệu bền vững; xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản xuất theo hướng cung cấp sản phẩm cà phê an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân”.  
Để giúp người dân chuyển đổi cây trồng, huyện Chư Pah còn phê duyệt dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu do Công ty cổ phần Điền An Gia Lai thực hiện. Theo đó, 245 hộ dân của xã Hà Tây và xã Chư Đang Ya sẽ tham gia trồng cây sâm dây và đương quy với quy mô 58,5 ha. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 7,1 tỷ đồng (vốn công ty gần 5,1 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2 tỷ đồng). Người dân tham gia được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu, còn lại là tự đối ứng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah-cho biết: Hiện nay, đa phần người dân trên địa bàn huyện còn sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, theo kiểu truyền thống nên đầu ra sản phẩm không ổn định. Do đó, một trong những vấn đề quan trọng cần giải quyết hiện nay là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm vì vậy là thực sự cần thiết, qua đó góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra ổn định, gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, đưa những cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Thời gian tới, huyện tiếp tục làm cầu nối để người dân và doanh nghiệp, HTX tự nguyện trong việc ký kết, liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm