Báo xuân

Chư Pah: Phát huy lợi thế, bứt phá vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Là địa bàn trung chuyển giữa TP. Pleiku và TP. Kon Tum, huyện Chư Pah có những tiềm năng, lợi thế riêng, nhất là có phụ lưu sông Sê San chảy qua-tại đây có các nhà máy thủy điện Ia Ly, Sê San 3, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Huyện còn có chung Biển Hồ nước với TP. Pleiku, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: lòng hồ Ia Ly, thác Công chúa, núi lửa Chư Đăng Ya và nhiều sản phẩm có giá trị đặc trưng như bời lời đỏ, chuối rừng (xã Ia Kreng), rượu ghè (xã Hà Tây)... Vì vậy, huyện Chư Pah đang có điều kiện rất lớn để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có  phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có
Khép lại năm 2017, tuy phải đối diện với hàng loạt khó khăn, nhiều vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát của Huyện ủy và sự điều hành quyết liệt của UBND huyện, hầu hết chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Chư Pah đều đạt và vượt kết hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,04%; tổng giá trị sản xuất đạt trên 4.100 tỷ đồng; chương trình tái canh cây cà phê đạt 281,5 ha; thành lập mới 18 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên con số 108 và 1.030 hộ kinh doanh cá thể; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Nghĩa Hưng và Ia Nhin.
 Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Chư Pah. Ảnh: Đ.Y
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Chư Pah. Ảnh: Đ.Y
Ngoài ra, huyện Chư Pah nỗ lực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp khá thành công. Huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, toàn huyện hiện đã hình thành 4 vùng chuyên canh với tổng diện tích gieo trồng là 22.000 ha. Vùng chuyên canh 1 tập trung ở thị trấn Ia Ly và các xã: Nghĩa Hòa, Ia Nhin, Ia Ka, Ia Mơ Nông, Hòa Phú, Nghĩa Hưng... phát triển các loại cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, bời lời, hồ tiêu, lúa nước. Đối với vùng chuyên canh 2 có lợi thế để phát triển các loại cây ngắn ngày như lúa nước, bắp, dong riềng, rau củ quả các loại... Vùng chuyên canh số 3 phát triển bời lời đỏ, mì, cao su tiểu điền... Riêng vùng chuyên canh số 4 ngoài phát triển một số cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày còn tập trung trồng rừng, bảo vệ khu căn cứ cách mạng của huyện. Qua việc phân vùng chuyên canh đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện đời sống của người dân (thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 1,12 triệu đồng/người/năm (năm 1997) lên 31,71 triệu đồng/người/năm (năm 2017).
Bên cạnh đó, từ nhiệm kỳ 2010-2015, huyện Chư Pah đã hình thành được Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tại xã Ia Khươl với quy mô 53,91 ha, bao gồm nhiều hạng mục đã được đầu tư xây dựng. Hiện tại, Cụm CN-TTCN có 6 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số vốn đầu tư hơn 118,9 tỷ đồng.  Ưu thế của Cụm CN-TTCN huyện Chư Pah là nằm dọc theo quốc lộ 14. Đây cũng là tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Trong tương lai, tuyến đường huyết mạch này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương từ Gia Lai, Kon Tum về cảng Quy Nhơn (Bình Định). Thời gian tới, huyện Chư Pah tiếp tục thực hiện các giải pháp để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư lấp đầy diện tích Cụm CN-TTCN. Ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực trong quá trình mời gọi thu hút đầu tư. Xây dựng lộ trình thực hiện, xác định trọng điểm, thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất CN-TTCN tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, thế mạnh tại địa phương như: đồ mộc, vật liệu xây dựng, bột nhang, gạch tuynen, nông sản, thực phẩm, cơ khí, chuối rừng…
Huyện Chư Pah tiếp tục đề xuất với tỉnh có những cơ chế thông thoáng hơn trong việc giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm CN-TTCN của huyện. Hỗ trợ mọi mặt để các doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cùng với địa phương phát triển kinh tế-xã hội.
Mới đây, trong buổi làm việc với tập thể lãnh đạo huyện Chư Pah, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: Chư Pah có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, lại cách trung tâm TP. Pleiku không xa. Vì vậy, 2 địa phương có thể kết nối cùng khai thác thế mạnh, đơn cử như phát triển du lịch. Để du lịch phát triển, Chư Pah phải có sự tác động mạnh mẽ thì mới tạo được sức hút, tiêu biểu như mới đây huyện đứng ra tổ chức lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đăng Ya. Mặc dù lần đầu tiên huyện đứng ra tổ chức một lễ hội nhưng đã tạo được tiếng vang và thu hút hàng vạn lượt người đến thưởng ngoạn.  
Đảm bảo an sinh xã hội
 Lễ hội hoa dã quỹ-núi lửa Chư Đăng Ya thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh.
Lễ hội hoa dã quỹ-núi lửa Chư Đăng Ya thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế-xã hội, phát huy mạnh mẽ tiềm năng sẵn có, lĩnh vực an sinh xã hội cũng được các cấp, các ngành huyện Chư Pah đặc biệt quan tâm. Nổi bật là xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện cụ thể nhằm phát huy tối đa hiệu quả chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển bền vững. Tuy năm 2017, tỷ lệ giảm nghèo của huyện chưa đạt kế hoạch đề ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan song chủ yếu là một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, một số cán bộ cấp xã chưa làm hết vai trò trách nhiệm; hủ tục ma chay, cưới hỏi kéo dài còn ăn sâu vào đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến năng suất lao động thấp... Xác định nguyên nhân nghèo, huyện Chư Pah tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực của Nhà nước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay sản xuất (2.319 hộ nghèo/2.837 hộ nghèo toàn huyện đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất với tổng dư nợ tính đến ngày 31-12-2017 là trên 7,9 tỷ đồng) và sắp xếp lại hình thức sản xuất để công tác giảm nghèo thực sự bền vững.
Mở rộng quy mô giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học;  nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia, chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao lần thứ V-2017. Công tác chăm lo, giải quyết chi trả chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời. Huyện cũng đã xóa xong nhà tạm cho các gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở.
…Thời cơ và vận hội mới đặt ra cho huyện rất lớn, nhưng những khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn. Hy vọng, với sự đoàn kết, sáng tạo và sự nỗ lực, đồng thuận của toàn Đảng bộ, quân và dân huyện Chư Pah, huyện sẽ tiếp tục bứt phá vươn lên, góp phần  phát triển hơn nữa kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Hải Yến

Có thể bạn quan tâm