(GLO)- Gần đây, sau hàng loạt sai phạm ở các cơ sở giáo dục, từ bậc mầm non đến đại học, các nhà quản lý đã tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề và nhận thấy các hiện tượng tiêu cực xảy ra đều có nguồn gốc từ việc thiếu dân chủ trong các trường học mà ra, mặc dù, những năm đầu thế kỷ XXI, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ban hành Quy chế dân chủ trong hệ thống học đường.
Ảnh minh họa. |
Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách và là mấu chốt trong sự nghiệp đổi mới giáo dục cần phải chấn chỉnh, từ việc nhận thức về dân chủ hóa trong nhà trường đến khâu thực hiện dân chủ một cách thực chất chứ không phải làm theo kiểu hình thức, chiếu lệ như lâu nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Phát huy dân chủ trong trường học, rộng hơn là trong ngành Giáo dục là yếu tố quyết định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Dân chủ ngay trong môi trường này không chỉ thực hiện tốt như các nơi mà còn phải đi trước, lan tỏa trong xã hội.
Một số giáo viên đã trao đổi thẳng thắn với tôi rằng, hiện nay, một số ông, bà hiệu trưởng giống như “ông vua con” tự tung tự tác, lộng quyền, không xem đội ngũ giáo viên, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường ra gì. Mọi việc đều truyền đạt theo kiểu mệnh lệnh, ai có ý kiến trái chiều đều bị trù dập nên tiếng nói của cá nhân, tập thể không còn có tác dụng. Mọi người đều im lặng để được tồn tại mặc dù nhiều vụ việc sai trái của hiệu trưởng đang bày ra trước mắt, quyền lợi của thầy và trò bị tước đoạt một cách trắng trợn.
Ở Gia Lai, một số vụ việc tiêu cực từng xảy ra trong các trường học đều có nguồn gốc từ sự mất dân chủ, như các vụ việc ở Phú Thiện, Mang Yang, Kông Chro… Lãnh đạo địa phương đã phải xắn tay giải quyết sự vụ một cách kiên quyết nhằm lập lại trật tự trong ngành Giáo dục và nhiều ông, bà hiệu trưởng đã phải cay đắng chấp nhận hình thức kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.
Trao đổi về vấn đề này, một số cán bộ quản lý giáo dục có tâm huyết đã mạnh dạn đề xuất, cần phải rà soát lại cả vấn đề nhận thức và thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay. Phải hiểu đúng vấn đề dân chủ trường học vì đó là môi trường đặc thù, không giống với các môi trường xã hội khác. Do vậy, mọi sự áp đặt thô thiển không những làm ảnh hưởng đến sự phát triển, sự sáng tạo của từng thành viên trong tập thể sư phạm đó mà còn làm thui chột cả một thế hệ đang hình thành nhân cách. Để thực hành dân chủ trong trường học, hiệu trưởng phải là người gương mẫu, đầu tàu trong điều hành tập thể sư phạm; minh bạch và lắng nghe để thấu hiểu mọi vấn đề từ đối tượng học sinh, phụ huynh và giáo viên; phát huy cho được mọi năng lực sáng tạo của cá nhân, tập thể để đẩy mạnh cải cách giáo dục một cách thiết thực, hiệu quả.
Hiệu trưởng phải là nhà dân chủ thực sự vì bản thân nhà trường là môi trường của dân chủ đúng nghĩa, đồng thời là tấm gương cho việc thực hành dân chủ để các tổ chức xã hội khác noi theo.
Việt Linh