Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Pưh: Khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước thực trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt, giá nông sản bấp bênh, thời gian qua, cùng với sự định hướng, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân ở huyện Chư Pưh, Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Nhiều mô hình hiệu quả
Xã Ia Blứ là một trong những xã có diện tích hồ tiêu chết lớn nhất ở Chư Pưh với gần 330 ha/1.677 ha của toàn huyện. Nhiều người dân trong xã phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Nhưng cũng có nhiều hộ vẫn kiên trì ở lại, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Điển hình là trường hợp gia đình anh Trần Văn Thăng (thôn Lương Hà). Cũng lao đao như bao hộ nông dân khác bởi vườn hồ tiêu chết hàng loạt, gia đình anh Thăng quyết định chuyển sang trồng nấm. Từ chỗ chỉ trồng nấm bào ngư, gia đình anh trồng thêm nấm linh chi, nấm mèo và nấm rơm. Hiện tại, gia đình anh đã có trang trại nấm rộng hơn 700 m2 với khoảng 110.000 bịch nấm các loại. Anh Thăng chia sẻ: “Trồng nấm cũng đơn giản, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 300 triệu đồng. Cuộc sống gia đình giờ đã ổn định”.
 Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) được đầu tư bài bản, mang lại năng suất cao. Ảnh: N.T
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) được đầu tư bài bản, mang lại năng suất cao. Ảnh: N.T
Tương tự, nhiều nông dân ở xã Ia Le cũng đang tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước cải thiện cuộc sống. Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình) là một ví dụ. Gia đình anh Chiến sử dụng 300 m2 đất làm nơi nuôi tằm, đồng thời chuyển đất hồ tiêu chết sang trồng dâu. Hiện nay, tháng nào đàn tằm cũng cho thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình anh thu lời 15 triệu đồng. Anh Chiến cho hay: “Để nuôi tằm thành công cần kiên trì và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Chỗ nuôi tằm phải khô ráo, nền láng xi măng sạch sẽ, đảm bảo kín gió, được khử trùng. Lá dâu cho tằm ăn cần sạch và để khô. Tằm được nuôi trên nong trong 10 ngày rồi chuyển xuống sàn xi măng. Căn cứ theo sản lượng lá dâu, tôi cho tằm ăn khoảng 4 lần/ngày để khi thu hoạch, tằm cho kén to, nặng, năng suất cao. Từ hiệu quả của mô hình, tôi chia sẻ cho nhiều hộ nông dân khác trong vùng làm theo để nâng cao thu nhập cho gia đình”. Được biết, trên địa bàn xã Ia Le hiện có hơn 20 hộ tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm. 
Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi được hơn 600 ha cây trồng với các loại như sầu riêng, na, mít, chanh dây... Bên cạnh đó, người dân cũng phát triển chăn nuôi dê, thỏ, heo rừng... Hiện có 3 doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo, giới thiệu chính sách đầu tư để bà con liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Với sự thành công từ những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, chính quyền địa phương đang khuyến khích nông dân hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tìm hướng phát triển kinh tế bền vững. Ông Phạm Ngọc Kha-Bí thư Đảng ủy xã Ia Le-cho biết: “So với 2 năm trước khi bị ảnh hưởng bởi cây hồ tiêu chết hàng loạt, nông dân xã Ia Le đã phục hồi kinh tế 60-70%. Hiện tại, đối với các mô hình trồng dâu nuôi tằm và nuôi dê, chúng tôi đã hình thành tổ hội nghề nghiệp để người dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, xã khuyến khích các hợp tác xã cam kết thu mua nông sản, ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân”.
Huyện Chư Pưh hiện cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai dự án điều tra, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng làm căn cứ để bố trí cây trồng hợp lý trên địa bàn. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các xã, thị trấn và doanh nghiệp đang hoàn tất hồ sơ triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng. Đối với những mô hình mang lại hiệu quả cao như trồng dâu nuôi tằm, trồng măng tây có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí để nhân rộng và mời các doanh nghiệp tham gia để tổ chức sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp”.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm