(GLO)- Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng vùng chuyên canh cây có múi theo hướng VietGAP” triển khai trên địa bàn huyện Chư Pưh, Gia Lai được kỳ vọng mở ra một hướng đi mới thay thế dần cây hồ tiêu, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Đến cuối năm 2017, toàn huyện có 29,5 ha cây có múi gồm: 7 ha cam sành, 3 ha bưởi da xanh, 19,5 ha chanh. Cũng theo ông Khánh, trong bối cảnh giá cả một số nông sản chủ lực như: hồ tiêu, cao su xuống thấp, nhiều vùng trồng hồ tiêu khó tái canh do nhiễm nấm bệnh, sâu hại thì phát triển trồng cây có múi được xem là hướng đi mới. Tuy nhiên, hiện sản lượng cam, bưởi trồng được chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ tại huyện.
Cây cam giống CS1 được trồng tại thôn Phú Bình (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: N.S |
Trước yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đầu năm 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng vùng chuyên canh cây có múi theo hướng VietGAP”. Dự án được Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) hỗ trợ ứng dụng công nghệ. Kinh phí thực hiện khoảng 10 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 3,6 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân; thời gian thực hiện 48 tháng. Hai loại cây trồng được dự án hỗ trợ là bưởi đỏ Hòa Bình và giống cam chín sớm CS1 trên diện tích 30 ha tại 2 xã Ia Le, Chư Don. Trong đó, xã Ia Le trồng 20 ha bưởi đỏ Hòa Bình, xã Chư Don trồng 10 ha cam chín sớm CS1. Đây là 2 loại cây trồng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống chính thức, có năng suất cao hơn so với các giống đối chứng 15-30%, chất lượng quả tốt. Theo đánh giá của đoàn khảo sát Viện Nghiên cứu rau quả và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Chư Pưh rất phù hợp với cây cam CS1 và cây bưởi đỏ Hòa Bình, giúp cây có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản phẩm chất lượng.
Là một trong những hộ tham gia dự án, ông Nguyễn Văn Cảm (thôn Phú Bình, xã Ia Le) cho hay, cách đây gần 2 tháng, gia đình ông được hỗ trợ trồng 0,5 ha bưởi đỏ Hòa Bình. Đến nay, cây đã bắt đầu nảy chồi mới, phát triển tốt và tỷ lệ sống gần như tuyệt đối. Ngoài hộ ông Cảm còn có 19 hộ khác trong thôn cũng tham gia dự án, mỗi hộ trồng 0,5 ha. Đây là những hộ có diện tích hồ tiêu chết từ 2 ha đến 4 ha, cuộc sống khó khăn. “Chúng tôi xác định việc tham gia dự án là cơ hội để chuyển đổi cây trồng, đồng thời an tâm sản xuất khi sản phẩm đầu ra được dự án cam kết sẽ kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ với giá cả ổn định”-ông Cảm phấn khởi nói.
Trao đổi về dự án xây dựng vùng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Long Khánh cho biết: Hiện 20 hộ dân thôn Phú Bình (xã Ia Le) và 5 hộ dân ở thôn Ngăng, Thơh Ga B (xã Chư Don) đã trồng được 15 ha bưởi và cam. Theo tính toán, đến năm 2022, diện tích này sẽ cho thu bói 75 tấn quả (tương đương 5 tấn/ha). Sau khi kết thúc dự án, sản lượng quả đạt khoảng trên 100 tấn các loại. Với giá bán ổn định ở mức 35-40 ngàn đồng/kg, người dân sẽ có nguồn thu nhập khá.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh khẳng định: Năm 2020, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ia Le và Chư Don trồng 15 ha cam, bưởi. “Kết quả đạt được của dự án là cơ sở để nhân rộng trên toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp phù hợp phát triển cây có múi tại các thôn, làng khó khăn ở các xã Ia Le, Chư Don, Ia Hla, Ia Hrú. Đồng thời, giúp địa phương xây dựng mới và duy trì mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường”-ông Khánh nêu hướng phát triển.
NGUYỄN SANG