(GLO)- Sáng 23-6, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Đức Hoàng, Kpă Thuyên, Đỗ Tiến Đông chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo 17 huyện, thị xã, thành phố ở các điểm cầu.
Nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Dù vậy, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 4,16%, trong đó, nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 5,36%; công nghiệp-xây dựng tăng 3,59%; dịch vụ tăng 3,95%; thuế sản phẩm tăng 4,11%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 12.093 tỷ đồng, đạt 40,31% kế hoạch, tăng 8,63% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 9.501 tỷ đồng, bằng 41,46% kế hoạch, tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý, bình ổn giá cả, phòng-chống gian lận thương mại được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Chỉ số PCI cấp tỉnh được cải thiện theo hướng tích cực. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2019 tiếp tục được cải thiện, tăng 9 bậc so với năm 2018.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Q.T |
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngưng hoạt động hoặc giải thể, người lao động bị mất việc. Thương mại, dịch vụ, du lịch gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 2.090 tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán Trung ương giao, bằng 40,2% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 250 triệu USD, bằng 39,68% kế hoạch, giảm 1,96% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm, ước có 358.000 lượt khách du lịch đến tỉnh, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu du lịch ước đạt 185 tỷ đồng, giảm 29%. Toàn tỉnh có hơn 7.972 ha cây trồng bị ảnh hưởng nặng do hạn hán. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tuy tăng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt yêu cầu.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 19-6-2020, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ hơn 256 tỷ đồng (bằng 98,6%) cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với nhóm đối tượng người lao động, ngành chức năng đã kiểm tra được 10/17 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh cũng đang tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 đối với thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa. Năm 2020, tỉnh phấn đấu có thêm 2 huyện, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các vấn đề bức xúc xã hội được tập trung xử lý; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác đối ngoại được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đề cập những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong thời gian qua, từ đó đề xuất các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế cho rằng: Do dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố đều bị ảnh hưởng nặng, nhất là ngành dịch vụ (chiếm tới 55% tỷ trọng kinh tế của địa phương), dẫn đến thu ngân sách đạt thấp. Cũng do tình hình kinh tế khó khăn, các hoạt động mua bán xe, nhà cửa, đất đai cũng diễn ra rất trầm lắng nên việc thu lệ phí trước bạ chỉ hơn 25% kế hoạch. Do đó, đến nay, thu ngân sách nhà nước của thành phố mới chỉ đạt hơn 33% kế hoạch HĐND tỉnh giao và 28,3% kế hoạch HĐND thành phố giao.
Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Vũ Mạnh Định thông tin: 6 tháng đầu năm nay, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả các mặt hàng nông sản giảm, thu ngân sách đạt thấp. Đặc biệt, nắng hạn kéo dài đã làm hơn 3.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, gây thiệt hại trên 77 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng gặp nhiều khó khăn về vốn trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Tập trung khôi phục, phát triển kinh tế
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cho rằng: Trong đại dịch Covid-19, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản ít chịu ảnh hưởng nhất. Do đó, 6 tháng còn lại của năm 2020, chúng ta cần khai thác tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực này để bù đắp cho các ngành công nghiệp, thương mại-dịch vụ, góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Tấn |
Theo đó, ngành nông nghiệp cần tăng cường kêu gọi, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; tích cực triển khai chương trình liên kết, kết nối giữa sản xuất-chế biến-kinh doanh; tập trung phòng-chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, sâu bệnh trên cây trồng. Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, sớm đưa các nhà máy mới đi vào hoạt động, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, các nhà máy chế biến, các dự án nâng công suất. Đặc biệt, Sở cần phối hợp với Công ty Điện lực Gia Lai và các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời áp mái theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, phát triển thị trường, giao lưu với các vùng kinh tế lân cận, tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi để mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm; tiếp tục nâng cao giá trị và đưa những sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cao su, tinh bột mì, hạt điều, chè... vào các thị trường lớn để xuất khẩu.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Đây đã là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo chu kỳ 5 năm. Do đó, từ nay đến cuối năm, các sở, ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng-chống dịch bệnh hiệu quả. Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác giám sát đầu tư trên địa bàn tỉnh; nắm bắt sát sao tình hình giải ngân của các dự án để đề xuất giao kế hoạch vốn còn lại của năm 2020 cũng như điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân hết vốn, các dự án triển khai chậm sang các dự án khác có nhu cầu bổ sung vốn. Trong đó, các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay của nước ngoài đã giao cho các ngành, địa phương mà không thực hiện đúng kế hoạch thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tất cả các ngành, địa phương không gây ách tắc, nhũng nhiễu mà phải tạo điều kiện, cơ hội để doanh nghiệp phát triển trong điều kiện khó khăn hiện nay. Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương tập trung thu ngân sách, xử lý nợ đọng, gắn với việc điều chỉnh bộ máy các cơ quan thuế, nơi nào yếu thì điều chỉnh ngay, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân các công trình xây dựng cơ bản, qua đó góp phần tăng thu ngân sách nhà nước cho địa phương. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đổi mới hình thức, nội dung quảng bá du lịch để xây dựng và giới thiệu hình ảnh du lịch Gia Lai đến du khách trong và ngoài nước; triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020.
Xúc tiến, quảng bá du lịch là một trong những mục tiêu tỉnh ta đặt ra nhằm khôi phục, phát triển kinh tế. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
|
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương tập trung làm tốt công tác phòng-chống thiên tai trong mùa mưa bão; tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn hồ đập, hồ chứa thủy lợi. Các sở, ngành, địa phương cần làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới, kéo giảm tai nạn giao thông, tội phạm ma túy, tội phạm hình sự... Đặc biệt, cần đẩy nhanh hơn nữa các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
QUANG TẤN