Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chủ tịch UBND tỉnh: Tích cực chuẩn bị Festival Văn hóa Cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 1-10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018. Các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Thu ngân sách tăng 3,02%
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần làm rõ những thành tích đã đạt được thời gian qua, đồng thời chỉ rõ những hạn chế ở các lĩnh vực và đề xuất các giải pháp để giải quyết dứt điểm những tồn tại trong một số lĩnh vực như: giải phóng mặt bằng; quản lý lâm sản, dự án chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su thay thế; việc sáp nhập tại các trường; xã hội hóa y tế; công tác cải cách hành chính; tai nạn giao thông…
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T
Trong 9 tháng năm 2018, tình hình kinh tế-xã hội có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực; an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự xã hội được giữ vững. 9 tháng qua, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh đạt 533.319 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Hơn 3.000 ha cà phê được tái canh, đạt 142,4% kế hoạch. Có 3 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã triển khai thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng cánh đồng mẫu lớn với 155 địa điểm xây dựng, tổng diện tích là hơn 3.000 ha và 1.385 hộ dân tham gia tại 59 xã thuộc 10 huyện, thị xã. Toàn tỉnh hiện có 210 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Toàn tỉnh hiện có 49 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; 8 xã đạt 15-18 tiêu chí; 25 xã đạt 10-14 tiêu chí; 101 xã đạt 5-9 tiêu chí; 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 42.862 tỷ đồng, bằng 74,54% kế hoạch, tăng 12,05% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu dùng của tháng 9-2018 tăng 0,13% so với tháng 8-2018 và tăng 3,11% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 350,5 triệu USD, bằng 74,57% kế hoạch và tăng 3,89% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 79,44 triệu USD, giảm 27,52% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 3.322 tỷ đồng, bằng 83,41% dự toán Trung ương giao, bằng 79,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 7.536,23 tỷ đồng, bằng 62,79% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 10,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-y tế, khoa học-công nghệ tiếp tục có bước phát triển. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại tố cáo được tập trung xử lý. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho rằng: Kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội trong 9 tháng qua là khả quan. Trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu: xây dựng cánh đồng lớn, trồng rừng, xây dựng nông thôn mới, thu ngân sách... Trong 3 tháng còn lại của năm 2018, nếu các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực thì có khả năng đạt và vượt 20 chỉ tiêu đã đề ra.
Giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong 9 tháng còn tồn tại một số vấn đề hạn chế, sai phạm. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh triển khai 123 cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng ngân sách, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng và việc thực hiện các quy định của Nhà nước về phòng-chống tham nhũng tại 143 đơn vị. Qua đó, phát hiện 74 đơn vị sai phạm với số tiền trên 36,3 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 18,9 tỷ đồng, hoàn trả ngân sách 745 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T
Tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước về lâm sản còn diễn ra ở nhiều địa phương gây bức xúc dư luận xã hội. Trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện 416 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; xử lý 389 vụ, tịch thu 871,5 m3 gỗ các loại và 112 phương tiện; thu nộp ngân sách 2,5 tỷ đồng.
Về dự án chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su thay thế theo định hướng của Chính phủ giai đoạn từ năm 2015, tầm nhìn 2020, toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp tham gia với 44 dự án. Tuy nhiên, trong tổ số hơn 25.000 ha cao su đã trồng thì có hơn 12.000 ha bị chết hoặc sinh trưởng kém. Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất cho trồng cây khác thay thế. Dù vậy, theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì rất ít doanh nghiệp đến để làm thủ tục chuyển đổi trồng cây khác thay thế diện tích cao su bị chết hoặc kém phát triển.
Cũng tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải Lê Văn Hạnh cho rằng: Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng tình hình giải phóng mặt bằng Dự án đường Hồ Chí Minh-tuyến tránh đô thị Pleiku vẫn gặp khó khăn. Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục quan tâm giải quyết dứt điểm để tạo điều kiện cho đơn vị thi công. Trong khi đó, Giám đốc Sở Công thương Bùi Khắc Quang đề nghị huyện Krông Pa không tăng giá thuê đất để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương nhanh chóng khắc phục các hạn chế, tồn tại. Trong đó, vấn đề cấp bách là tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng; chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát, tinh giản bộ máy, mạnh dạn xử lý các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ; có biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông; phối hợp xử lý tình trạng “tín dụng đen”... 
Về nhiệm vụ 3 tháng còn lại của năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, phân tích và đề ra giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2018. Trước mắt, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tích cực chuẩn bị để tổ chức thành công Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa rất to lớn. Vì vậy, các hoạt động phải phong phú, hấp dẫn. Trong quá trình chuẩn bị lễ hội, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải tranh thủ triệt để nguồn kinh phí xã hội hóa; phải vận động cả cộng đồng xã hội tích cực tham gia sự kiện này. Bên cạnh đó, lực lượng Công an và chính quyền các địa phương cần triển khai các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.  
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm