Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Cần nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh trong thực hiện nhiệm vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 2-3, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tháng 2 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 3-2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND TP. Pleiku.
Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các hội, đoàn thể cùng sự đồng lòng ủng hộ, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh ta cơ bản thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Tổng diện tích gieo trồng, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, thu ngân sách, kim ngạch xuất-nhập khẩu... đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tháng 2 ước đạt trên 1.570 tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 3.698 tỷ đồng, đạt 12,8% kế hoạch, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2 ước đạt 6.110 tỷ đồng, giảm 0,53% so với tháng trước; lũy kế 2 tháng ước đạt trên 12.254 tỷ đồng, đạt 14,42% kế hoạch, tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 đạt 65 triệu USD; lũy kế 2 tháng ước đạt 135 triệu USD, đạt 20,45% kế hoạch, tăng 29,16% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện trong tháng 2 đạt 457,4 tỷ đồng; lũy kế 2 tháng là 1.208,5 tỷ đồng, đạt 22,3% dự toán Trung ương giao, đạt 20,7% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách tham quan, du lịch trong tháng 2 đạt 130 ngàn lượt, doanh thu du lịch ước đạt 50 tỷ đồng; lũy kế 2 tháng ước đạt 160 ngàn lượt, tổng thu du lịch ước đạt khoảng 70 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Quang
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Quang
Đến nay, toàn tỉnh gieo trồng được 74.246 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022, đạt 98,3% kế hoạch, bằng 106,7% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực chăn nuôi xuất hiện nhiều mô hình, dự án phát triển theo hướng trang trại, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 170 dự án chăn nuôi đang được các nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích 5.092,26 ha, tổng vốn đầu tư 23 ngàn tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã tổ chức thẩm định kế hoạch giao rừng năm 2022 cho 8 huyện với diện tích 6.851,38 ha; đồng thời, triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng-chống cháy rừng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhiệt tình tham gia. Tính đến nay, toàn tỉnh có 100 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình OCOP cũng được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 215 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm. Các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng được thực hiện kịp thời, đầy đủ. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai kịp thời, quyết liệt nhiều biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Hiện đã triển khai tiêm vắc xin mũi 1 đạt 103,12%, mũi 2 đạt 94,67%, mũi 3 đạt 34,04%. Về tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 1 đạt 100,69%, mũi 2 đạt 87,23%. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 1-1 đến 28-2, toàn tỉnh phát hiện 11.871 ca nhiễm Covid-19. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn, thị trường kit test nhanh Covid-19 có dấu hiệu rối loạn, rất nhiều giá khác nhau và có tình trạng các doanh nghiệp găm hàng. Mặc dù các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh có nhu cầu mua kit test nhanh Covid-19 rất lớn để phục vụ công tác phòng-chống dịch nhưng không thể tiếp cận được nguồn hàng. Các đơn vị đã thực hiện công tác chỉ định thầu, tổ chức đấu thầu nhưng các đơn vị cung cấp không tham gia. Sắp tới, Sở sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để cùng tháo gỡ khó khăn, tìm ra giải pháp mua được kit test nhanh Covid-19. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương liên quan nhằm có giải pháp tháo gỡ tình trạng này cũng như chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra tình trạng “loạn” giá kit test nhanh Covid-19 trên địa bàn.
Giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại như tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải. Cùng với đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ; nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí, trong đó có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho hay: Ngay từ đầu năm, Sở đã cử các đoàn công tác làm việc với 15 địa phương để nắm bắt và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực nông nghiệp. Sở cũng đã hoàn thiện kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh… Thời gian tới, ngành tiếp tục chỉ đạo công tác sản xuất vụ Đông Xuân, phòng-chống hạn trên cây trồng; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống cháy rừng trong mùa khô. Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án trồng rừng năm 2022; hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình thủ tục thuê đất rừng tự nhiên để phát triển cây dược liệu; tiếp tục chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nguyễn Quang
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nguyễn Quang
Còn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du thì cho hay: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương để hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai lập, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện; hoàn thiện hồ sơ kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); xây dựng kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2022. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, hậu kiểm công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Thời gian qua, một số sở, ngành còn chưa nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh trong thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh chỉ đạo. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát các điểm trường, các lớp chưa phù hợp và trong tháng 3 phải báo cáo tình trạng này nhằm đánh giá thực chất tình trạng thừa thiếu giáo viên. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát tiến độ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của ngành trong năm 2022. Ngành Y tế cần chấn chỉnh ngay công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn trong phòng-chống dịch Covid-19, nhất là hỗ trợ tư vấn các F0 điều trị tại nhà. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 đối với học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi và chuẩn bị tâm thế tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Các sở, ngành cần khẩn trương chuẩn bị tốt các nội dung nhằm phục vụ cho kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh sắp tới.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du tham gia phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du tham gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Quang
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi sát tình hình thời tiết, chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Tập trung rà soát, xây dựng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, nhất là ở các vùng xảy ra hạn hán, thiếu nước; có giải pháp căn cơ xử lý các loại giống cây trồng thường xuyên bị dịch bệnh, phòng-chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực triển khai các chương trình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ; đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2022 và chăm sóc tốt diện tích rừng đã trồng. Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào hoạt động các dự án năng lượng tái tạo, nhà máy chế biến. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng như đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư để có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022. Triển khai lựa chọn nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn quản lý dự án, thiết kế, giám sát có đủ năng lực kỹ thuật, tài chính, có giải pháp thi công phù hợp với từng loại công trình, kiên quyết xử lý đối với những nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng. Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương xây dựng các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch thu ngân sách năm 2022.
NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm