Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Đak Pơ cần khai thác hiệu quả thế mạnh để phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 23-8, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh đã có buổi làm với với Thường trực Huyện ủy Đak Pơ về kết quả công tác 8 tháng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm.

Kinh tế-xã hội khởi sắc

 

Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-ông Nguyễn Trường giải trình một số vấn đề do các Sở, ban ngành đặt ra liên quan đến địa phương. Ảnh: Lê Hòa
Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-ông Nguyễn Trường giải trình một số vấn đề do các sở, ngành đặt ra liên quan đến địa phương. Ảnh: Lê Hòa

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trường-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ báo cáo với đoàn công tác một số kết quả quan trọng mà huyện đã đạt được trong 8 tháng đầu năm 2017. 

Kết thúc vụ Đông Xuân, toàn huyện gieo trồng được 6.851 ha cây trồng các loại, đạt 102,2% kế hoạch và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ mùa năm 2017, tính đến ngày 21-8, toàn huyện đã gieo trồng được 16.071 ha cây trồng, đạt 95,5% kế hoạch. Các cơ quan chuyên môn trên địa bàn đã hướng dẫn cho nông dân áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp: làm nhà lồng trồng rau xanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích hình thành các vùng chuyên canh rau, cơ giới hóa các khâu sản xuất... Đến nay, toàn huyện có 32 cánh đồng lớn với tổng diện tích 327,3 ha với 380 hộ dân tham gia, năng suất bình quân của cánh đồng lớn niên vụ 2016-2017 đạt 91,1 tấn/ha. Riêng niên vụ mía 2015-2016 và 2016-2017, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, UBND huyện đã hỗ trợ 278,5 triệu đồng để nhân dân triển khai 6 cánh đồng với diện tích 96,6 ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 126,11 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đàn gia súc trên địa bàn huyện hiện đạt 16.095 con bò (tỷ lệ bò lai đạt 85,8%), trâu 688 con, dê 2.496 con, heo 11.404 con và gia cầm có 77.869 con.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 15.315 tỷ đồng, đạt 65,31% kế hoạch. Chi ngân sách 101,190 tỷ đồng, đạt 51,83%. Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm đã huy động nguồn vốn trực tiếp của chương trình là 5.070 triệu đồng, đồng thời lồng ghép với nhiều nguồn vốn khác hơn 535,352 tỷ đồng (vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 26,664 tỷ đồng, vốn tín dụng 507,334 tỷ đồng, vốn đóng góp của người dân 1,354 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng các công trình.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 10 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 50 doanh nghiệp; thành lập mới 1 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp. Tại Cụm công nghiệp Phú An hiện đã có 3 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 435,3 tỷ đồng. Các công trình xây dựng cơ bản hiện đang triển khai thi công đảm bảo theo kế hoạch, khối lượng thực hiện đến ngày 20-8 là 18,83 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt 14,484 tỷ đồng, đạt 54,5% kế hoạch.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cựcc. Toàn huyện đã có 13 trường đạt chuẩn quốc gia. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Tính đến hết tháng 5-2017, toàn huyện đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa 76 căn nhà cho người có công với cách mạng, trong đó xây mới là 29 căn. Công tác khám-chữa bệnh cho người dân được tiến hành kịp thời, chất lượng ngày càng được nâng cao. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, tai nạn giao thông được kiềm chế…

Khai thác các thế mạnh để phát triển kinh tế

 

 Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Đak Pơ. Ảnh: Lê Hòa
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Đak Pơ. Ảnh: Lê Hòa

Tại buổi làm việc, lãnh đạo địa phương cũng đưa ra một số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên- môi trường; đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; công tác đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu; công tác kiểm soát phương tiện, tải trọng xe lưu thông qua địa bàn; xây dựng nông thôn mới; đầu tư phát triển du lịch trong tương lai… 

Trước ý kiến đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nên xem xét, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nới lỏng cơ chế quản lý tài nguyên, cho phép UBND cấp huyện được cấp phép khai thác một số loại tài nguyên khoáng sản các mỏ nhỏ lẻ trên địa bàn, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: Trước đây, từng có thời điểm cho phép UBND cấp huyện được cấp phép khai thác các mỏ nhỏ lẻ, khai thác vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định thì không còn được áp dụng. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo, sở chủ quản và địa phương nên xem xét tìm giải pháp hợp lý, làm sao để vừa khai thác được nguồn tài nguyên vẫn đảm bảo công tác quản lý hiệu quả, tránh thất thu ngân sách và đặc biệt không gây điểm nóng phức tạp về khai thác tài nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: Việc phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn phải được tiếp tục chú trọng nhân rộng trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước-nhà nông-doanh nghiệp để đem lại lợi ích lâu dài, bền vững. Huyện phải nghiên cứu, lên phương án để làm sao người trồng rau tại các vựa rau trên địa bàn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó, nòng cốt là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, áp dụng các chuẩn rau sạch để sản phẩm rau có giá trị cao hơn trên thị trường… Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến việc đầu tư xây dựng nông thôn mới; việc tuyển dụng giáo viên cần được xem xét nới lỏng chỉ tiêu, hạn chế các trường hợp hợp đồng công việc; đẩy mạnh cải cách hành chính đi kèm với tinh gọn bộ máy hành chính trên cơ sở ưu tiên người làm được việc, bố trí đúng người, đúng việc; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở giao khoán bảo vệ rừng...

Trong lĩnh vực công thương nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đak Pơ đã thành lập được Cụm Công nghiệp Phú An. Từ tiền đề này, huyện phải làm sao để thu hút được nhà đầu tư và tạo điều kiện tốt nhất để các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn hoạt động. Riêng về đầu tư cho phát triển du lịch phải xem xét tính toán đến hiệu quả lâu dài, có kế hoạch bài bản và xem xét kỹ càng từng yếu tố trước khi quyết định đầu tư để đảm bảo khai thác hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương và tránh lãng phí trong đầu tư. Về xóa đói giảm nghèo, công tác giải quyết đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số phải được chú trọng. Đặc biệt, công tác xóa nghèo trong các gia đình chính sách, người có công với cách mạng phải được quan tâm sâu sát, thực hiện triệt để để trong thời gian sớm nhất, địa phương không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm