Kinh tế

Nông nghiệp

Chú trọng nguồn giống trong sản xuất nông nghiệp tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai và các địa phương khuyến cáo người dân chuyển đổi và sử dụng các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
 

 Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kbang hướng dẫn người dân xử lý bệnh khảm lá vi rút hại mì. Ảnh: L.N
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kbang hướng dẫn người dân xử lý bệnh khảm lá vi rút hại mì. Ảnh: L.N

Thời gian qua, bệnh sâu keo mùa thu hại bắp, khảm lá vi rút trên cây mì, trắng lá mía... đã gây thiệt hại lớn cho nông dân trong tỉnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tập trung hướng dẫn, tuyên truyền người dân thay đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa một số loại giống có khả năng kháng bệnh tốt, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Theo đó, đối với cây bắp nên sử dụng các giống có khả năng kháng sâu keo mùa thu như: NK7328 Bt/GT, NK4300 Bt/GT, NK66 Bt/GT, NK6101 Bt/GT, 6919S, 8629S. Đối với cây mì thì nên sử dụng giống KM94, không sử dụng giống HL-S11 và hạn chế giống KM419, KM140, KM98-5. Còn đối với cây mía, người dân nên sử dụng các giống LK92-11, K95-84, K95-156, K93-207.

Krông Pa là địa phương có diện tích mì lớn nhất tỉnh với khoảng hơn 20.800 ha mỗi năm. Năm 2019, trên địa bàn huyện có hơn 1.500  ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút làm giảm năng suất. Anh Nay Tiên (buôn Ka Tô, xã Chư Gu) cho biết: “Gần 1 ha mì của nhà tôi bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút,  năng suất giảm hơn 50% và chỉ thu được gần 10 tấn củ tươi. Được cơ quan chuyên môn khuyến cáo nên vụ tới, tôi chuyển sang trồng đậu và bắp rồi mới quay lại trồng mì”. Tương tự, chị Rơ Ô HBen (buôn Ka Tô) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 1 ha mì trồng giống HL-S11 bị bệnh khảm lá vi rút nên gần như mất trắng. Vụ tới, tôi không trồng giống mì này nữa mà chuyển qua giống KM94 theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn”.

Theo ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa, năm 2019, nhiều diện tích mì trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh khảm lá vi rút,  ảnh hưởng đến năng suất. Trước thực tế đó, Trung tâm đã khuyến cáo người dân sau khi thu hoạch nên chuyển đổi những diện tích mì gần nguồn nước sang cây trồng khác hiệu quả hơn như rau màu các loại, cây ăn quả. Đặc biệt, tuyệt đối không được để lại cây mì bị nhiễm bệnh làm giống cho vụ tới. Đối với những diện tích bị nhiễm nặng thì phải luân canh sang cây trồng khác. “Để chuẩn bị tốt cho vụ mùa 2020, Trung tâm tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý tình trạng buôn bán, sử dụng giống mì nhằm hạn chế xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên sử dụng các giống ít nhiễm bệnh và kháng bệnh tốt như giống mì KM94. Hiện tại, Trung tâm đang xúc tiến phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất 20 ha mì KM94 để cung cấp giống cho người dân trên địa bàn huyện”-ông Trung cho hay.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện (thứ 2 bìa phải) hướng dẫn người dân phòng trừ bệnh trên cây mì. Ảnh: Lê Nam
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện (thứ 2 bìa phải) hướng dẫn người dân phòng trừ bệnh trên cây mì. Ảnh: Lê Nam



Còn tại Ia Pa, ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Năm 2019, trên địa bàn huyện có hơn 1.000 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút, còn bệnh trắng lá trên cây mía chỉ xảy ra cục bộ ở diện tích nhỏ. Để hạn chế sự lây lan nguồn bệnh, giảm thiểu thiệt hại, Trung tâm đã phối hợp với các xã mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ bệnh và vận động các hộ tích cực phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nhổ bỏ, tiêu hủy những diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút, diện tích mía nhiễm bệnh trắng lá cục bộ hoặc nhiễm nhẹ. Đối với diện tích bị nhiễm nặng, người dân nên chuyển đổi sang cây trồng khác.

Tại huyện Kbang, Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng đã tập trung hướng dẫn người dân sử dụng giống sạch bệnh để sản xuất. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-khuyến cáo thêm: Nông dân cần xử lý kỹ đất trước khi trồng và chỉ xuống giống khi đất đủ độ ẩm; tập trung xuống giống đồng loạt, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan ra diện rộng. Về phía Phòng sẽ tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện; hướng dẫn người dân tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11 để sản xuất.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ngoài việc sử dụng các loại giống có khả năng kháng bệnh cao, các địa phương cần xây dựng lịch xuống giống tập trung, phù hợp với điều kiện thực tế. Mỗi vùng sản xuất nguyên liệu của các nhà máy phải thành lập vườn sản xuất nhân giống sạch bệnh, có khả năng cung cấp đủ nhu cầu giống sạch bệnh để trồng hàng năm của nông dân. Hướng dẫn người dân bón phân cân đối phù hợp với từng giai đoạn để cây sinh trưởng phát triển thuận lợi. “Đặc biệt, tổ chức kiểm soát chặt chẽ, không cho phép lấy hom giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng hoặc đưa sang các vùng khác chưa bị bệnh để trồng. Chuyển những diện tích trồng mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút sang các loại cây trồng khác như bắp, đậu đỗ... ít nhất 1 năm mới trồng mì trở lại. Còn đối với những diện tích mía có năng suất thấp dưới 65 tấn/ha, diện tích trồng trên đồi cao thiếu nước, giống bị nhiễm bệnh nặng cần chuyển sang các loại cây trồng khác như mì, bắp, cây ăn quả...”-ông Có nhấn mạnh.

 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm