Vụ “Đoàn thanh tra” đòi “quà” để có “định hướng” kết luận thanh tra ở Vĩnh Phúc đang được cơ quan có trách nhiệm xem xét.
Hình minh họa
Tuy sau này vụ việc được xử lý như thế nào chưa biết nhưng rõ ràng mới chỉ dừng lại ở đây đã có thể trở thành ví dụ “kinh điển” trong các bài giảng từ xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật... cho đến trên các giảng đường đào tạo các học viên sau này trở thành các điều tra viên phòng, chống tội phạm trong nội bộ. Vụ việc phải nói là “quá hay”.
Dẫu đối tượng “đòi quà” mới chỉ là cán bộ cấp Phó trưởng phòng và số “quà” được họ đòi mới chỉ vài trăm triệu theo như báo chí đưa tin; tuy nhiên nó tạo ra dư chấn của “vụ nổ lớn”.
Chính vì thế, ngày 17/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có công văn gửi Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Chính vì thế, cũng trong ngày 17/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Câu chuyện thanh tra “đòi quà” khi thi hành công vụ, trở thành câu chuyện “làm quà” từ miền xuôi đến miền ngược, từ công sở đến chỗ chợ búa. Thế mới kinh! Phải nói thẳng ra rằng: dư luận xã hội hết sức bức xúc về sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm khác như điều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ…
Câu chuyện thanh tra “đòi quà” cho thấy nhiều vấn đề. Trước hết, do sự thay đổi của chính sách, pháp luật và lợi dụng sơ hở của nó và tình trạng “móc ngoặc” để gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước vẫn tiếp tục diễn ra hết sức phổ biến. “Ăn của dân không từ thứ gì”, như lời nói phản ánh sự “bất lực” của một người lãnh đạo trước đây. Thứ hai, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ cũng gần như “phổ biến”. Thứ ba, nó cho thấy những cuộc vận động, phong trào học tập, ban hành các loại quy chế về đạo đức công vụ đang trở nên hết sức hình thức.
Không lẽ cả “hệ thống” bất lực? Rõ ràng, đối với những loại công vụ “đặc biệt” như kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… phải giám sát được họ khi thực thi công vụ. Trông chờ vào sự “nêu gương” may ra chỉ có trong bản kiểm điểm hàng năm, do vậy phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên. Tất nhiên phải kiên quyết xử lý sai phạm, bất kể con cháu nhà ai.
Từ Tâm (PLVN)