Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chung tay ngăn chặn tai nạn thương tích ở trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Do đặc tính hiếu động, thích khám phá những điều mới lạ nên trẻ em thường gặp phải những tai nạn thương tích đáng tiếc. Nhiều vụ không chỉ gây thương tật cho trẻ mà còn để lại hậu quả đau lòng. Vì thế, bảo đảm an toàn cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

 

9 trẻ tử vong do đuối nước trong 3 tháng đầu năm

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 9 trẻ em tử vong. Vào ngày 3-3, cháu Đinh Hyơn (SN 2016, trú tại làng Klên, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cùng các bạn trong làng đến tắm tại hồ chứa nước ở làng Tơver, xã Ia Khươl. Trong lúc tắm, cháu Hyơn không may bị đuối nước dẫn đến tử vong. Tiếp đó, chiều 11-3, một nhóm 4 học sinh Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (phường An Bình, thị xã An Khê) rủ nhau ra tắm tại sông Ba (thuộc tổ 6, phường Tây Sơn). Sau đó, em N.H.L. và L.H.T. (cùng 14 tuổi) bị tử vong do đuối nước. Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) đã cấp cứu một trường hợp bệnh nhi hơn 2 tuổi uống nhầm thuốc trừ sâu do bố mẹ đựng thuốc trong vỏ chai nước ngọt. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhi đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.

 

 Y-bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Pleiku thăm khám cho bệnh nhi bị đứt lìa 2 ngón tay do tai nạn thương tích đã được nối thành công. Ảnh: Như Nguyện
Y-bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Pleiku thăm khám cho bệnh nhi bị đứt lìa 2 ngón tay do tai nạn thương tích đã được nối thành công. Ảnh: Như Nguyện


Cuối tháng 3-2022, chị Vũ Thị Minh Thúy (làng Ia Mang, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đưa con trai hơn 2 tuổi lên tái khám tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Chị Thúy chia sẻ: Trong một lần nghịch ngợm, con trai chị cho bàn tay phải vào nhông xích xe máy đang hoạt động khiến hai ngón tay bị đứt lìa. Sau đó, gia đình đã mang phần ngón tay bị đứt lên bệnh viện và được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) nối lại thành công.

Thầy thuốc Ưu tú Tăng Văn Thành-Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) thông tin: Khoa thường xuyên tiếp nhận cấp cứu nhiều trẻ em bị thương tích do tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt gia đình như: điện giật, bỏng, kẹt tay vào cánh cửa… Hầu hết tai nạn ở trẻ là do sự hiếu động, nghịch ngợm và một phần là do sự bất cẩn, thiếu giám sát của người lớn.

Cộng đồng chung tay bảo vệ trẻ em

Phòng-chống tai nạn thương tích ở trẻ em là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, gia đình và xã hội. Trong đó, trách nhiệm của gia đình là rất quan trọng. Bởi lẽ, trên thực tế, một bộ phận không nhỏ cha mẹ còn chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc và bảo vệ con em mình. Bản thân trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, trong khi môi trường sống từ gia đình đến cộng đồng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trẻ em vui chơi tại các ao, hồ. sông, suối… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: Như Nguyện
Trẻ em vui chơi tại các ao, hồ, sông, suối… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: Như Nguyện


Mới đây, UBND tỉnh có Công văn số 693/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng-chống tai nạn thương tích và phòng-chống đuối nước trẻ em. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Sở có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em bằng những hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể ở cơ sở cần vận động người dân, cộng đồng tham gia xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, cải tạo, sửa chữa các điểm mất an toàn có thể gây tai nạn. Các ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình phòng-chống tai nạn thương tích cho trẻ như: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn”.

Cũng theo bà Rcom Sa Duyên, Sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn chính quyền địa phương triển khai rà soát, cắm biển cảnh báo, làm rào chắn những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn cùng chính quyền triển khai tốt công tác bàn giao và tổ chức quản lý chặt chẽ học sinh trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè. Cùng với đó, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phòng-chống tai nạn thương tích trẻ em ở các địa phương nhất là ở địa bàn xảy ra các vụ việc tai nạn thương tích nghiêm trọng và có trẻ em tử vong... “Ngoài các giải pháp trên của các cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và thầy-cô giáo cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cho trẻ cách phòng ngừa, xử lý, nhận biết những nơi nguy hiểm để phòng tránh”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.

 

NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm