Chung tay phòng-chống bệnh lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chị Hà Thị Mỹ Cúc- chuyên trách lao Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa (Gia Lai) cho biết: “Qua công tác tầm soát đợt I trên địa bàn 4 xã, phường (phường Đoàn Kết, Cheo Reo; xã Ia Sao, Ia Rtô) đối với 165 ca có dấu hiệu nhiễm lao, đã phát hiện 2 ca dương tính với bệnh lao. Trong tháng 7 sẽ tiếp tục tầm soát đợt II đối với 4 xã, phường còn lại (phường Hòa Bình, Sông Bờ; xã Chư Băh, Ia Rbôn). Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế thị xã đã điều trị 10 trường hợp nhiễm lao, trong đó: 7 ca AFB (+); 1 ca AFB (-) và 2 ca lao ngoài phổi”.
Tiêm thuốc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Hồng Sơn
Tiêm thuốc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Hồng Sơn
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và phát hiện các ca nhiễm lao trên địa bàn thị xã Ayun Pa, tại các xã phường đều có đội ngũ chuyên trách lao là cán bộ, nhân viên các trạm y tế xã, phường. Bên cạnh còn có đội ngũ trưởng thôn, già làng, các ban ngành, đoàn thể và y tế thôn buôn. Đội ngũ này sẽ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đến các trung tâm y tế xã, phường để tầm soát bệnh lao. Hàng năm, Trung tâm Y tế thị xã đều tổ chức tập huấn cho đội ngũ này về triệu chứng, phương pháp điều trị, thời gian điều trị bệnh lao; từ đó, nâng cao khả năng chẩn đoán, phát hiện các dấu hiệu bệnh lao; nâng cao khả năng tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân về ý thức phòng tránh bệnh lao.
Tuyến thị xã được thường xuyên quan tâm chỉ đạo từ Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Gia Lai; ngoài việc giám sát, chỉ đạo tuyến, Bệnh viện tổ chức định kỳ các khóa tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên trách Trung tâm Y tế thị xã; cấp thuốc điều trị miễn phí cho các bệnh nhân nhiễm lao.
Việc tuyên truyền về bệnh lao đến người dân được triển khai bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau. Tại tất cả các điểm công cộng, Trung tâm Y tế xã, phường đều có pa nô, áp phích tuyên truyền về bệnh lao. Người dân muốn tìm hiểu sâu về kiến thức phòng và điều trị lao có thể đến Trung tâm Y tế xã, phường gặp cán bộ chuyên trách sẽ được phát tờ rơi, được trực tiếp hướng dẫn về các dấu hiệu người nhiễm lao, cách điều trị, các đường lây nhiễm lao và phương pháp phòng tránh bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Gia Lai còn phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa tổ chức các buổi chiếu phim để tuyên truyền đến người dân về bệnh lao.
Khi các tuyến xã, phường phát hiện trường hợp có các dấu hiệu nhiễm lao thì được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa để xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh. Khi xác định nhiễm lao, người bệnh sẽ được điều trị thông qua 2 giai đoạn: Điều trị tấn công kéo dài 2 tháng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa và điều trị duy trì 6 tháng do Trung tâm Y tế thị xã đảm trách. Trong 8 tháng điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm 3 lần vào các tháng 2 (3), 5, 7 (8) để theo dõi, đánh giá kết quả quá trình điều trị. Trung tâm Y tế thị xã sẽ thường xuyên phát thuốc đến bệnh nhân trong quá trình điều trị duy trì thông qua cán bộ chuyên trách xã, phường, thường xuyên thăm hỏi và đôn đốc người bệnh điều trị đúng phác đồ và thời gian điều trị bệnh lao đến khi được chẩn đoán khỏi bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền và điều trị bệnh lao còn vướng phải một số khó khăn nhất định. Đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu nên khó khăn trong việc tuyên truyền và điều trị cho người dân. Trung tâm Y tế thị xã và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa là hai cơ sở riêng biệt nên không thành lập được tổ chống lao, hiện chỉ có cán bộ chuyên trách lao. Ngoài ra, do đặc thù địa phương là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bà con thường xuyên đi rẫy nhiều ngày nên cán bộ chuyên trách xã, phường gặp khó khăn trong việc vận động tuyên truyền. Công tác điều trị hay bị gián đoạn do đồng bào địa phương bỏ đi làm rẫy nên dễ dẫn đến tái phát bệnh…
Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm