Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Kết quả ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (2016-2021), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Gia Lai giảm còn 3,96%, tương đương với 14.943 hộ nghèo. 
Nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề triển khai công tác giảm nghèo. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch, chỉ thị triển khai các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương đã tập trung rà soát, nghiên cứu, triển khai những giải pháp giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và làng, xã đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã đầu tư trên 1.271 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo, trong đó, ngân sách trung ương là hơn 1.184 tỷ đồng (chưa tính đến sự hỗ trợ của doanh nghiệp, cộng đồng, người dân đóng góp). Từ nguồn kinh phí hỗ trợ này, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Người dân xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) tham gia chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phan Lài
Người dân xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) tham gia chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phan Lài
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 48.937 lao động, trong đó, đào tạo nghề lao động nông thôn 11.129 người. Sau đào tạo, hơn 90% lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Đồng thời, hỗ trợ 100% mức đóng mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người làm nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình với tổng số tiền 2.078 tỷ đồng. Tổ chức khám-chữa bệnh miễn phí cho hơn 1,8 triệu lượt bệnh nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 1.029 tỷ đồng. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngân hàng cho 142.013 hộ nghèo vay vốn ưu đãi hơn 5.283 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi các mô hình phát triển sản xuất cho hơn 2.300 hộ nghèo với số vốn hơn 30 tỷ đồng. Tỉnh còn huy động hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 682 hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền 23 tỷ đồng.
Bà Võ Thị Thúy Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) cho hay: 99% dân số trong xã là người dân tộc thiểu số. Thực hiện công tác giảm nghèo, xã quan tâm đầy đủ công tác giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với ban nhân dân thôn, buôn chủ động cụ thể hóa kế hoạch, vùng sản xuất; rà soát, tổng hợp nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân. Từ đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, từng hộ một cách hiệu quả.
Cần những giải pháp đột phá
Để công tác giảm nghèo tiếp tục phát huy hiệu quả, các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp đột phá, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Theo ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa, công tác giảm nghèo đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn dân, nhất là phát huy vai trò chủ thể đối tượng mà chính sách hướng đến. Cùng với đó là huy động nguồn lực để tăng vốn đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo bền vững. Kết hợp chặt chẽ chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. “Cùng với đó, việc hỗ trợ hộ nghèo gắn với địa chỉ cụ thể. Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo sau đào tạo tìm được việc làm phù hợp. Triển khai đồng bộ công tác khuyến nông-lâm-ngư nghiệp, hướng dẫn và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi, đáp ứng nhu cầu vốn vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác”-ông Hường thông tin.
Bà Võ Thị Thúy Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia RMok (huyện Krông Pa) triển khai giải pháp giảm nghèo của xã cho Bí thư chi bộ, trưởng thôn của các buôn. Ảnh: Đinh Yến
Bà Võ Thị Thúy Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) triển khai giải pháp giảm nghèo của xã cho bí thư chi bộ, trưởng thôn của các buôn. Ảnh: Đinh Yến
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa thì cho biết: Giải pháp của huyện là tập trung vận động bà con tận dụng lợi thế, điều kiện có được để đầu tư cây-con giống mới phù hợp cho năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, đưa máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra giá trị kinh tế. Cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể xắn tay vào cuộc để làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ người nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo nghề lao động nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Về giải pháp giảm nghèo trong những năm tới, bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh: “Kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh là rất đáng ghi nhận. Công tác giảm nghèo tiếp tục được các ngành, địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi giải pháp đột phá để Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đi vào thực chất, phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm