Phóng sự - Ký sự

Chuyện 3 người lính ở hai chiến tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Chúng tôi trao anh chút tiền này. Đây là số tiền trợ cấp thương binh hằng tháng. Mong anh mạnh khỏe, sống vui những tháng ngày còn lại”. Hai người thương binh nói với một người thương phế binh chế độ cũ ở bên kia chiến tuyến như vậy.
 

“Chúng tôi trao anh chút tiền này. Đây là số tiền trợ cấp thương binh hằng tháng. Mong anh mạnh khỏe, sống vui những tháng ngày còn lại” - ông Nguyễn Tiến Dân (trái) nói với ông Đỗ Văn Phẩm
“Chúng tôi trao anh chút tiền này. Đây là số tiền trợ cấp thương binh hằng tháng. Mong anh mạnh khỏe, sống vui những tháng ngày còn lại” - ông Nguyễn Tiến Dân (trái) nói với ông Đỗ Văn Phẩm.


Hai người thương binh đã chắt chiu đồng tiền trợ cấp ít ỏi của mình để giúp một người thương phế binh ở bên kia chiến tuyến, cuối đời bệnh tật, sống vật vã trong nghèo khó.

Câu chuyện diễn ra dưới chân núi Cà Tang ở thôn Ninh Khánh 1 (xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, Quảng Nam).

Tình người không giới tuyến

Sáng sớm, hai người đàn ông tóc hoa râm hẹn nhau tại một quán cà phê nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Đà Nẵng để về Quảng Nam, ngược dòng Thu Bồn. Họ là hai thương binh, giải ngũ đã nhiều năm.

Từ ngày nghỉ hưu, cả hai vì những lý do riêng tư ngày xưa đồng đội ngã xuống gửi gắm, chuyên đi làm từ thiện.

Nhưng chuyến đi này khá đặc biệt: người được hai ông giúp đỡ lần này là người từng ở bên kia chiến tuyến hơn 
40 năm về trước.

Chiếc xe máy chầm chậm chạy qua cầu Giao Thủy, ngược Trung Phước lên Quế Ninh, vòng qua những cánh đồng đang mùa nắng cháy.

Người cầm lái là ông Nguyễn Tiến Dân, 68 tuổi, ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, là thương binh hạng 3/4.

Người ngồi sau là thương binh Vũ Công Điền, 63 tuổi, ở phường Khuê Trung, huyện Cẩm Lệ, thương binh hạng 4/4.

Xe chạy chầm chậm qua những cánh đồng rồi dừng ở một căn nhà sâu hun hút bên chân núi. Đón hai ông già ở đầu ngõ là một ông già khác, tóc bạc trắng, khắc khổ, cụt một tay một chân, ngồi xe lăn.

Đó là ông Đỗ Văn Phẩm, 74 tuổi, ở thôn Ninh Khánh 1, xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông Phẩm từng đi lính Việt Nam cộng hòa, 
bị thương năm 1970.

Ông Phẩm run run rót chén nước chè mời khách, không nói lời nào. Cuộc hội ngộ khiến cả ba ông già rưng rưng.

Ông Dân mở lời: “Tôi nghe anh Điền giới thiệu, anh có hoàn cảnh quá khó khăn cuối đời, tụi tôi lên đây thăm anh và mong muốn giúp đỡ anh chút ít vượt qua bệnh tật”...

Mở cái balô mang ra một hộp nước yến, hai ram tập vở, một gói bánh, một cây đèn pin và một chiếc áo len ngắn tay, ông Dân nói: “Chiếc áo này tôi mua tặng anh mùa đông đỡ lạnh. Nước yến này anh uống bây giờ cho khỏe. Tập vở và bánh này tôi dành tặng cháu nội của anh”.

Ông Phẩm cầm lấy chiếc áo nghẹn ngào, thì thầm lời cảm ơn, rồi kéo vạt áo lau giọt nước mắt lăn dài trên 
gò má nhăn nheo.

Rồi họ hỏi han chuyện đời của nhau. “Anh bị thương ra sao?” - ông Điền hỏi. Ông Phẩm kể rằng năm 1970, khi đó ông vừa bị bắt quân dịch, một năm thì chiến sự diễn ra. Trận tập kích của quân giải phóng bất ngờ trong một đêm san phẳng nơi đơn vị ông Phẩm đồn trú.

Ông Phẩm chạy thoát vào núi... Sáng hôm sau ông Phẩm quay lại đồn thì vướng mìn, ông mất một tay và một chân, nằm viện 1 năm và ra quân cuối năm 1970.

“Tôi bị thương rồi ra quân, về quê được mấy năm thì giải phóng. Cuộc đời tôi cơ cực từ đó đến tận bây giờ”-ông 
Phẩm lại lau nước mắt.

Sau giải phóng, ông Phẩm lấy vợ, sinh hai người con. Với một cánh tay còn lại, ông cột chặt cái cuốc vào, chân chống nạng cuốc từng thớ đất khai hoang.

Những mảnh đất cằn cỗi dưới chân núi Cà Tang sắn khoai không nuôi sống đủ gia đình, ông chặt tre đan rổ cho vợ bán ở chợ. Hai đứa con ông học đến lớp 6 thì bỏ 
học mưu sinh.

Hơn 30 năm, bốn người trong gia đình ông sống trong căn chòi lá. Đến năm 2008, ông tích cóp dựng được căn nhà cấp 4.

Tưởng cuộc đời ổn định từ đây thì căn bệnh thận quái ác ập đến, ông phải năm lần bảy lượt đi viện để mổ.

Bệnh ông chưa dứt thì vợ ông bị tai nạn giập tủy sống nằm một chỗ. Hai vợ chồng phải sống bằng tiền trợ cấp xã hội hằng tháng và vườn rau trước ngõ.

Căn bệnh khiến ông Phẩm 8 năm nay phải đeo chiếc ống nhựa đặt trong bàng quang để thông tiểu. “Bác sĩ dặn hằng tháng phải về bệnh viện tỉnh ở Tam Kỳ để thay ống.

Nhưng khó quá, tôi không có tiền đi xe. Vậy là tôi tự mua và tự thay ống cho mình. Đau đứt ruột cũng chịu được, chỉ sợ nhất là nhiễm trùng” - ông Phẩm khào khào kể.

Ông Điền gặp ông Phẩm trong một chiều lang thang chụp ảnh dạo ở miền sơn cước này. Thấy ông Phẩm quá khốn khó, ông Điền chạy quyên góp bạn bè mua cho ông chiếc xe lăn.

Chung một niềm đau

Dưới bóng mát của hàng mít hiu hiu gió, ba người lính ngồi bên nhau. Ông Dân nói với ông Phẩm rằng chiến tranh là điều không ai muốn.

Nếu ông Phẩm đau đớn về thể xác thì nỗi đau trong tâm hồn ông Dân không gì bù đắp nổi.

Cha và hai người anh lần lượt nằm lại chiến trường, mẹ ông Dân bị địch bắt tra tấn, bản thân ông Dân lúc 16 tuổi phải thoát ly vào rừng sống trong những ngày bom lửa. Vết thương ở đầu ông Dân lúc trái gió trở trời lại đau nhức nhưng ông vẫn gượng dậy, vượt qua.

Ngày đất nước thống nhất, ông Dân không ở lại quân đội mà về đi học. Ông bảo việc học, việc làm từ thiện đều là tiếp nối nguyện vọng của những người bạn chiến trường của ông.

“Bạn tôi lúc đó có người không biết chữ. Những lá thư gia đình gửi vào rừng tôi phải đọc cho bạn nghe, rồi phải viết thư trả lời giùm. Bạn tâm sự rằng khi đất nước hòa bình sẽ đi học, nếu không học được cũng phải giúp con cháu mình biết cái chữ. Nhưng rồi họ hi sinh, mang theo những ước nguyện đẹp còn dang dở. Cho nên tôi phải học thay họ”-ông Dân giọng nghèn nghẹn.

Khi về hưu, ông Dân ngược xuôi khắp dải đất miền Trung làm thiện nguyện. Ông giúp những gia đình nghèo sinh kế, giúp những cháu nhỏ đến trường.

Ông nói với ông Phẩm: “Nhìn vết thương của anh tôi nhớ đến đồng đội của mình. Tôi cõng trên lưng không biết bao nhiêu đồng đội bị thương, hi sinh. Có người chết vì bom đạn, có người bị rắn cắn, cây đè, chết trôi, bệnh tật... Đó là nỗi đau chung của dân tộc”.

Ông Điền kể rằng gia đình ông cũng tang thương vì cuộc chiến. Cha mẹ ông mất, sáu người anh em ruột thịt của ông nằm lại chiến trường.

Bản thân ông Điền một lần đi hành quân thì bị trực thăng quạt đạn xuyên qua đùi, ngã quỵ trên chiến trường. Y tá bảo cưa chân nhưng ông nhất quyết giữ lại và may mắn vết thương lành, ông đi lại được.

Ông nói với ông Phẩm: “Chúng ta là những người đi qua chiến tranh, dù có tàn phế, một phần thân thể để lại chiến trường nhưng còn sống đã là may mắn. Thôi thì cứ làm điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời. Tôi đến đây giúp anh cũng là khép lại quá khứ và chung sống với chút tình người”.

Ông Phẩm cầm cái phong bì được tặng, giọng run run: “Mỗi tháng tôi được trợ cấp người tàn tật 650.000 đồng. Tôi dành 150.000 cho việc mua sắm bông băng, dây nhựa, gạc y tế... Phần 
còn lại mua gạo mắm”.

Nắng chiều ngả dần về phía núi, ba người lính ôm nhau chia tay trước cánh đồng rơm rạ. Tiễn đưa nhau không ai nói điều gì, họ chúc nhau mạnh khỏe, mong cuộc sống bình yên để quá khứ buồn đau lùi vào dĩ vãng...

Theo Tuoitre

 

Dành trợ cấp để giúp người khốn khó

Ba người lính ở hai chiến tuyến ngày trước, giờ tìm đến để giúp nhau trong cuộc sống
Ba người lính ở hai chiến tuyến ngày trước, giờ tìm đến để giúp nhau trong cuộc sống

Ông Điền nói với ông Phẩm rằng gia đình ông cũng chẳng khá giả gì, nhưng ông sống được bằng tiền lương hưu. Trợ cấp thương binh của ông Điền hằng tháng gần 1 triệu đồng, ông Dân hơn một chút và ông Dân dành hết những đồng tiền trợ cấp thương binh để đi giúp những cảnh đời khốn khó.

Năm 2010, tiền thừa bảo hiểm của ông Dân được trả lại hơn 40 triệu đồng, ông dành cho các em học sinh nghèo miền núi. “Tôi nghĩ rằng tất cả rồi cũng về cát bụi. Tại sao chúng ta không sống tử tế cùng nhau?

Tôi có một tâm nguyện và đã dặn các con của mình là khi tôi chết hãy để cho ngành y tế đến mang xác tôi đi. Tôi muốn hiến xác thân cuối cùng của mình cho y học.

Tôi biết mình chẳng thể mang theo được gì. Thôi thì còn chút xác thân này có thể giúp ích được cho đời, và các con phải nhớ!”-ông Dân thổ lộ.
Khốn khó cùng cực

Từ ngày có chiếc xe lăn, ông Đỗ Văn Phẩm lắc đi xa hơn để thăm người thân, hàng xóm. Ông bảo đã hơn 40 năm qua ông chẳng bao giờ rời khỏi chân núi Cà Tang để qua những làng khác. Ông chưa biết Đà Nẵng ra sao dù ông có vài người thân ngoài đó.

Có một lần ông đi Tam Kỳ để mổ thận nhưng khi đi và về đều nằm ngửa trên chiếc xe cứu thương với tứ bề màu trắng.

Ông chẳng nhìn thấy gì ngoài những cơn đau. “Nghe nói đất nước đổi mới, phát triển nhưng chỉ nghe qua đài và xem tivi. Lúc trước thì đói khổ, khi già thì bệnh nặng, miếng ăn đã khó nói gì chuyện đi đó đi đây”-ông Phẩm nói trong suy tư.

Có thể bạn quan tâm