Chuyện quanh ta
Ở tuổi 53, bà Ksor H’Djốt (xã Ia Broăi) mới vừa trả hết món nợ cưới. Bà cho biết, theo tập tục của người Jrai, phụ nữ muốn bắt chồng phải chịu nhiều sính lễ cho nhà trai. Đám cưới cũng do nhà gái chuẩn bị, nhà trai chỉ đóng góp một phần... cho có. Vì thế, nhiều phụ nữ có được chồng nhưng lại mang món nợ lớn. “Nếu người chồng biết thương vợ, cùng nhau làm ăn để trả nợ thì đó là sự may mắn. Nhưng thực tế nhiều người chồng tối ngày chỉ uống rượu, bỏ mặc món nợ cho vợ, thành ra nợ mẹ đẻ nợ con, cuộc sống vất vả lắm. Đến khi cưới con gái lại tiếp tục lo làm để trả nợ”-bà H’Djốt chia sẻ.
Những tưởng tập tục lạc hậu chỉ có ở thế hệ của những người bà, người mẹ. Nhưng nhìn cô gái Đinh Hinh (xã Pờ Tó) mới 16 tuổi đã địu đứa con nhỏ trước ngực lại thấy hủ tục vẫn còn hiện hữu trong đời sống hôm nay. Đinh Hinh cho biết: “Mẹ em lấy chồng sớm, đẻ được 7 người con, 1 người mất do tai nạn. Em út của em mới hơn 1 tuổi. Nhà em làm nông, kinh tế khó khăn nên chúng em không được học đến nơi đến chốn. Vì vậy mà em chọn lấy chồng sớm, nhưng giờ chồng cũng bỏ đi, em một mình nuôi con”.
Cô gái người Bahnar Đinh Hinh (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) có con ở tuổi 16 vì tảo hôn. Ảnh: Minh Châu |
Bà Siu H’Thúy (xã Ia Kdăm) cũng có con gái bắt chồng sớm và hệ lụy vẫn là những người phụ nữ phải gánh chịu. Bà chia sẻ: “Học hết lớp 6, con gái đã đòi lấy chồng. Vợ chồng mình khuyên nhủ mãi nhưng không được, nó còn dọa tự tử nên đành phải theo ý nó. Giờ nó có con mà không biết chăm, mình lại phải chăm cả 2 mẹ con nó”.
Nhưng trường hợp con gái bà H’Thúy vẫn còn may mắn so với những hệ lụy của việc tảo hôn. Nhiều người không được số phận mỉm cười như vậy. Ở tuổi ngoài 50, bà Siu H’Oai (xã Ia Kdăm) vừa phải nuôi cháu, vừa chịu nỗi đau mất con.
Bà kể: “Con gái mình chỉ ở nhà làm nương rẫy nên lấy chồng sớm. Nó sinh con tại nhà, bị sót nhau không phát hiện ra, mấy ngày sau mới đưa lên bệnh viện thì không kịp. Nó mất khi mới 19 tuổi. Chồng nó buồn một thời gian rồi sau đó lấy vợ khác, để đứa con cho mình nuôi. Giờ cháu mình thành ra không có cả cha lẫn mẹ. Còn mình thì mất đi đứa con gái”.
Sự thay đổi của cộng đồng về bình đẳng giới được chia sẻ bằng những câu chuyện người thật, việc thật tại sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba”. Ảnh: M.C |
Những câu chuyện của đồng bào Jrai, Bahnar phản ánh một số hủ tục vẫn tồn tại ngàn đời trong đời sống của cư dân vùng đất bên dòng sông Ba. Đó là sự bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em vẫn đang phải đối mặt, là gánh nặng nợ nần khi bắt chồng, là sự mất mát khi người mẹ chẳng may mất sớm khiến một gia đình bỗng nhiên tan vỡ và đẩy con trẻ vào cảnh mồ côi. Gánh nặng kép đè lên vai người phụ nữ khi họ vừa là trụ cột kinh tế, vừa đảm đương mọi vấn đề trong gian bếp của gia đình.
Khát vọng đi tới
Những câu chuyện trên vừa được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu tại triển lãm “Chuyện bên dòng sông Ba”. Đây là hoạt động truyền thông triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tại huyện Ia Pa. Đây cũng là địa bàn được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm trong cả nước triển khai dự án.
Thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số sẽ là những "Thủ lĩnh của sự thay đổi" xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong gia đình, cộng đồng. Ảnh: Minh Châu |
Bà Nguyễn Thị Tuyết-Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: Với cách tiếp cận mới theo hướng nhân học, Bảo tàng đã sưu tầm nhiều câu chuyện, hình ảnh về cuộc sống, văn hóa truyền thống, các luật tục, định kiến giới, nạn tảo hôn và cả những tấm gương sáng của phụ nữ vượt lên số phận. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mong muốn truyền đi những hy vọng và khát vọng cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số huyện Ia Pa qua sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba”.
Để triển khai dự án, từ tháng 10-2022, nhóm trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện các nghiên cứu, điền dã tại 4 tỉnh, trong đó có Gia Lai. Nhóm sưu tầm tư liệu, hình ảnh và những câu chuyện hay về sự thay đổi tích cực trong cộng đồng để giới thiệu đến công chúng thông qua các triển lãm.
Năm 2023, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp tục mở rộng khu vực điền dã, nghiên cứu sâu tại 4 xã: Ia Broăi, Chư Mố, Ia Kdăm, Pờ Tó (huyện Ia Pa) về những thay đổi của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng triển khai dự án. Vùng đất bên dòng sông Ba với nhiều câu chuyện hay về chế độ mẫu hệ, phong tục và cả những hủ tục cần thay đổi đã được phản ánh chân thực, thú vị qua sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba”.
Tại sự kiện này, những “người trong cuộc” như các thành viên tham gia “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Địa chỉ an toàn”, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã giao lưu, chia sẻ quá trình triển khai Dự án 8 cùng những kết quả ban đầu đạt được.
Đặc biệt, phần giao lưu có sự xuất hiện của “người truyền cảm hứng” là chị Nay H’Kuan-Bí thư Đảng ủy xã Chư Mố. Chị H’Kuan kể lại hành trình vượt qua nghịch cảnh, định kiến giới để theo đuổi con đường học tập, phấn đấu trong công tác và trở thành 1 trong 2 nữ bí thư Đảng ủy cấp xã đầu tiên tại huyện Ia Pa.
Chị Nay H’Kuan-Bí thư Đảng ủy xã Chư Mố trở thành "Người truyền cảm hứng" khi vượt qua những nghịch cảnh, luật tục để vươn lên. Ảnh: Minh Châu |
Chị chia sẻ hành trình theo đuổi con chữ nhiều khó khăn nhưng cũng tràn đầy cảm hứng và khát vọng của bản thân: “Nhà mình ở một buôn nghèo của một xã nghèo. Gia đình có 5 anh chị em, bữa ăn chỉ có củ mì thay cơm. Tuổi thơ của mình rất cơ cực, thường xuyên đi học, đi làm nương rẫy với cha mẹ trong cái bụng đói cồn cào. Hồi đó cũng chưa có đường, có cầu như bây giờ, đi học phải lội qua sông, suối. Có những ngày lũ về cuồn cuộn, mình phải nghỉ học chờ nước rút. Khi học lên THPT, mình phải đi nhờ xe đạp của bạn hơn 10 km để lên thị xã Ayun Pa. Nhưng ước mơ thay đổi cuộc sống đã giúp mình vượt qua tất cả thiếu thốn, vất vả đó. Giờ đây, mình rất mong có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương, nhất là thay đổi những hủ tục để phụ nữ tự tin hơn, dám vượt qua luật tục, định kiến về giới để theo đuổi ước mơ của mình”.
Câu chuyện thành công của Bí thư Đảng ủy xã Chư Mố đã lan tỏa tinh thần, khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng tới phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng đất bên sông Ba.
Tại diễn đàn giao lưu, em Đinh Ydeng-thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Pờ Tó) chia sẻ: “Từ khi tham gia Câu lạc bộ, em được trau dồi nhiều kỹ năng, giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân. Em thay đổi qua từng ngày, mạnh dạn, tự tin nói lên chính kiến của mình, tham gia tích cực hoạt động do nhà trường phát động. Em cũng ý thức mình là thế hệ trẻ, cần tiên phong thay đổi để giúp cộng đồng cùng thay đổi, xóa bỏ hủ tục để phụ nữ và trẻ em được phát triển bình đẳng như nam giới”.
Còn với ông Ksor Khôn-Trưởng thôn Broăi, sau thời gian tham gia Dự án 8 trong vai trò thành viên “Tổ truyền thông cộng đồng”, ông đã thay đổi rất lớn về nhận thức và hành động. Ông cho hay: “Có những điều cần phải tuyên truyền để cộng đồng, nhất là đàn ông Jrai thay đổi, giúp giải phóng người phụ nữ khỏi những gánh nặng kinh tế và nhiều áp lực khác”.