Báo xuân

Chuyện chưa kể về Hai "ông hoàng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm Quý Tỵ-2013, ở môn bóng đá dĩ nhiên đội U19 Việt Nam mà nòng cốt là Học viện HA.GL-Arsenal JMG trở thành “ông hoàng” trong lòng người hâm mộ cả nước. Còn môn bóng chuyền, danh hiệu này thuộc về Đức Long Gia Lai, tân vô địch quốc gia. Nhân dịp năm mới, Báo Gia Lai “bật mí” những chuyện chưa biết về hai đội bóng này.

Kép phụ, kép chính

Nói về lò đào tạo danh tiếng HA.GL-Arsenal JMG, suốt gần 7 năm qua người ta chỉ có khen và… khen chứ chưa thấy chê. Đặc biệt sau khi các “tiểu pháo thủ” ở Hàm Rồng quật ngã U18 Arsenal ngay tại London và trình diễn lối chơi tiqui-taca ở Sannix Cup (Nhật Bản)… Lúc này thầy trò huấn luyện viên (HLV) Guillaume Graechen chiếm trọn niềm tin mọi người và được cử đại diện Việt Nam tham dự Giải U19 Đông Nam Á và châu Á.  
 

Cầu thủ U19 Việt Nam sau trận thắng U19 Úc tỷ số 5-1. Ảnh: Minh Vỹ
Cầu thủ U19 Việt Nam sau trận thắng U19 Úc tỷ số 5-1. Ảnh: Minh Vỹ

Theo quy định của AFF (Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á) và AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á), thuyền trưởng phải có bằng A HLV. Tuy nhiên Guillaume Graechen là chuyên gia đào tạo trẻ, có nhiều loại bằng cấp do Học viện Arsenal JMG toàn cầu cấp, nhưng bằng A của AFC hay FIFA (Liên đoàn Bóng đá quốc tế) chỉ là hình thức, lại là chuyện khác. Để lách luật, Guillaume Graechen đề cử đồng nghiệp của mình ở Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng là Nguyễn Quốc Tuấn (trợ lý của HLV Choi Yoon Gyum ở đội 1 HA.GL) vào Ban huấn luyện, nhờ hội đủ tiêu chuẩn do Ban tổ chức quy định.

Bởi vậy ở đội U19 Việt Nam, Nguyễn Quốc Tuấn và Guillaume Graechen có hai chức danh khác nhau. Danh sách lưu hành nội bộ trong nước quy định, chàng rể người Pháp giữ vai HLV trưởng, còn Nguyễn Quốc Tuấn là trợ lý. Trong khi đó danh sách gửi Ban tổ chức thì ngược lại. Trên giấy tờ là vậy, thực chất đảm nhiệm chức vụ HLV trưởng là Guillaume Graechen, còn đồng nghiệp Quốc Tuấn làm trợ lý HLV chuyên trách thủ môn. Vậy là ở đội tuyển U19 Việt Nam vừa qua, kép phụ trở thành kép chính.
 

 Hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quốc kỳ Việt Nam tại Malaysia sau trận thắng U19 Úc. Ảnh: Minh Vỹ
Hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quốc kỳ Việt Nam tại Malaysia sau trận thắng U19 Úc. Ảnh: Minh Vỹ

Rô-đa “khủng”

Đoạt Cúp vô địch quốc gia chỉ mất chưa đầy 3 năm kể từ ngày ra đời, đội bóng chuyền Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đã làm nên chiến tích hiếm có trong làng bóng chuyền Việt Nam. Tuy nhiên để có được như ngày hôm nay bầu Pháp đã phải mất một thời gian rô-đa (chạy đà) hết sức công phu trước đó.

Sau khi thất bại trong thương vụ từ đội bóng chuyền Đức Long-Quân khu 5, bầu Pháp quyết định tìm hướng đi mới, khai sinh ra đội bóng chuyền ĐLGL. Trước khi có được đội bóng như bây giờ, ông Pháp đã lên kế hoạch thâu tóm dàn “binh hùng, tướng mạnh” vốn đang “làm mưa, làm gió” trên các sàn đấu bóng chuyền nam nước ta, đó là đội Long An. Cách đó không lâu, Tập đoàn Hoàng Long của ông bầu “Mười Toại” đã chính thức rút lui và xóa tên đội bóng Hoàng Long-Long An.

Khi được bầu Pháp đánh tiếng về chuyện này, lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao tỉnh Long An “vui như Tết”. Chẳng khác gì người đuối nước sắp vớ được phao cứu sinh để cưu mang những tài năng thuộc diện “số má” như Quang Khánh, Phước Tiến, Văn Tuấn… Bởi vậy gần như ngay lập tức người đứng đầu ngành Thể dục Thể thao tỉnh bạn đáp máy bay lên Phố núi để đàm phán trực tiếp với bầu Pháp.

Sau gần 4 tiếng đồng hồ nâng lên đặt xuống với nhiều điều khoản hóc búa, cuối cùng cuộc đàm phán này thất bại chỉ vì tên họ của đội bóng. Long An muốn ghép tên thành Đức Long-Long An, y như cách làm của Hoàng Long-Long An trước đây, đồng thời đại bản doanh vẫn đóng tại thành phố Tân An. Bầu Pháp không chịu, muốn mua đứt đội bóng, dời đô lên Phố núi và đặt tên mới… Đức Long Gia Lai. Bế tắc trong chuyện này, cuối cùng mối lương duyên Đức Long-Long An tan vỡ và cho tới tận bây giờ Long An vẫn chưa tìm được đối tác để “chia lửa”.
 

ĐLGL trên bục nhận Cúp vô địch quốc gia 2013. Ảnh: Minh Vỹ
ĐLGL trên bục nhận Cúp vô địch quốc gia 2013. Ảnh: Minh Vỹ

Ông Pháp giải thích: “Lúc đó, tôi đã sẵn có đội Đức Long-Quân khu 5. Nếu thêm một Đức Long-Long An nữa thì có khác gì đâu. Vấn đề ĐLGL muốn có đứa con riêng để phục vụ người hâm mộ tỉnh nhà”.

Vậy là, bầu Pháp chuyển hướng sang “bắn tỉa” từng ngôi sao để lập nên đội bóng mới. Đầu tiên lặn lội sang tận Bangkok, ăn dầm nằm dề tại đây gần cả tháng trời mới có được chữ ký của chủ công số 1 Đông Nam Á-Wanchai. Dẫu vẫn biết “bút sa gà chết”, nhưng Wanchai vốn là “anh chàng đỏng đảnh” nên cùng lúc muốn “bắt cá 3 tay”: vừa thi đấu ở Thái Lan, Bahrain và Việt Nam, dẫn đến bị Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tuýt còi. Bầu Pháp chấp nhận mất thêm khoản tiền để giải phóng hợp đồng Wanchai với một đội bóng ở Bahrain.

Có được ngôi sao thuộc diện thượng thặng nhất Đông Nam Á, ĐLGL tấn tới muốn thâu tóm luôn cặp “oanh tạc cơ” chủ công xuất sắc nhất bóng chuyền Việt Nam: Nguyễn Hữu Hà và Ngô Văn Kiều. Sau một thời gian đàm phán, Hà và Kiều đã “xiêu lòng” gia nhập ĐLGL.

Thế đấy, đường đến đỉnh vinh quang không phải lúc nào cũng trải toàn hoa hồng, lắm lúc phải nếm mật nằm gai như vừa kể ở trên.
 

Bầu Đức tiết lộ: “Tôi vừa mừng vừa lo khi đội Học viện HA.GL-Arsenal JMG có tăng cường, đại diện U19 Việt Nam tham dự sân chơi quốc tế. Thú thực khi nghe tin này tôi chẳng khác gì cầu thủ đứng trước chấm phạt đền 11 mét cân não. Dù sao đây chỉ mới là lần đầu tiên các cháu tham dự giải đấu chính thức. Thành công thì quá tốt, nhưng lỡ vì lý do nào đó mà thất bại, không biết nói sao với thiên hạ”.

Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm