Phóng sự - Ký sự

Chuyện dân vận miền đại ngàn nắng gió - Kỳ cuối: Tiếp nối cha ông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để an ninh trật tự ở địa phương luôn ổn định, tư tưởng chính trị của người dân vững vàng, các già làng, người có uy tín chẳng nhớ nổi mình đã dừng chân trước bao ngôi nhà, vận động thuyết phục với bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, những nơi họ đến, hủ tục, đói nghèo dần được đẩy lùi, bà con chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế.

Già tiên phong

Ông Y Krú A Yun là người có uy tín tiêu biểu của xã Cư Né (huyện Krông Búk, Đắk Lắk). Ông chẳng nhớ nổi mình đã dừng chân trước bao ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở các buôn. Chỉ biết rằng, những nơi ông đến, hủ tục, đói nghèo dần được đẩy lùi, bà con chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế.

Ông Y Krú thăm hỏi, động viên người dân phát triển kinh tế

Ông Y Krú thăm hỏi, động viên người dân phát triển kinh tế

Mở cuốn sổ tay được cất cẩn thận trong hộc tủ, những dòng chữ viết nắn nót tên các hộ gia đình được ông vận động trở về quê hương làm ăn phát triển kinh tế. Hơn 10 năm trước, buôn Đrao, xã Cư Né từng là địa bàn nóng về tình trạng vượt biên trái phép. Mỗi ngày ông dành thời gian đến từng nhà thăm hỏi, động viên và phổ biến pháp luật của nhà nước kết hợp với luật tục của đồng bào… và thuyết phục họ nhìn ra chân lý, sự thật.

“Cùng với các cấp, ngành địa phương, tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp buôn để tuyên truyền. Đồng thời, đến từng nhà người thân của các đối tượng khuyên nhủ tìm cách liên lạc trực tiếp với các đối tượng vượt biên vận động họ về nước. Năm 2009, tôi cùng Bộ tư lệnh Quân khu 5 sang Lào, Campuchia vận động đồng bào trở về”, ông Y Krú cho biết.

Bao năm qua, ông Y Krú vẫn thường xuyên dành thời gian “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để truyên truyền, vận động bà con chung tay giữ gìn an ninh trật tự, chăm chỉ sản xuất phát triển kinh tế. Đơn cử, vợ chồng ông Y Bhi Niê, dù có nhiều đất đai, nhà cửa khang trang nhưng vì tin theo lời kẻ xấu nên đã dẫn theo 3 đứa con cùng 2 người em vợ vượt biên sang Campuchia, để lại nhà cửa cho vợ chồng người con gái lớn trông coi. Biết chuyện, ông Y Krú kiên trì đến nhà gặp con gái lớn của ông Y Bhi vận động người thân quay trở về. Đầu năm 2019, vợ chồng ông Y Bhi đã trở về địa phương.

Ông Y Tum Ayun chăm sóc vườn cà phê

Ông Y Tum Ayun chăm sóc vườn cà phê

Bê chiếc gùi đan nốt công đoạn cuối, ông Y Krú chia sẻ tiếp, để bà con tin mình, bản thân phải tiên phong đi đầu trong các phong trào, các hoạt động ở địa phương. Buôn Drao hiện có 436 hộ, trên 1.200 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào DTTS. Ông Y Krú thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi học tập, nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; giáo dục con cháu trong gia đình học hỏi nâng cao nhận thức, chống các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các tập tục lạc hậu.

Cũng tại xã Cư Pơng, chúng tôi tìm đến nhà của già làng Y Bhiu Mlô. Tỉ mỉ nhổ từng cây cỏ trong bồn cây, ông Y Bhiu chia sẻ, trước kia, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám buôn làng. Già vẫn còn nhớ mãi khu nghĩa địa vào một buổi chiều vọng lên tiếng khóc não nề của một phụ nữ. Già tới tìm hiểu thì thấy người này vừa khóc vừa dọn dẹp những ngôi mộ xung quanh. Cả mấy tháng trời, mỗi ngày hai lần, vợ chồng ấy thay nhau đưa cơm và thức ăn ra phần mộ cho người con trai, dù mưa hay nắng, công việc nương rẫy bận đến mấy họ vẫn thực hiện cơm nước đầy đủ cho người đã khuất.

Già kể, lần đó con trai của họ mới mua chiếc xe máy hiệu Exciter, chưa kịp lấy biển số. Một buổi tối đi chơi về bị tai nạn qua đời, sau đó gia đình đã chôn chiếc xe máy này cùng người chết. Họ nói rằng, đây là chiếc xe mới mua nên phải chôn cùng xuống dưới có cái mà đi.

Để thay đổi cách nghĩ, cách làm đã ăn sâu vào tiềm thức của người đồng bào không phải một sớm, một chiều…Già biết rằng, để mọi người tin tưởng và làm theo thì trước tiên gia đình mình và những người trong dòng họ phải đi đầu thực hiện. Già đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể cán bộ địa phương trực tiếp tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, các tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi…từng bước đẩy lùi. Đặc biệt, nơi đây đã xóa bỏ hoàn toàn tục mang cơm ra cho người đã khuất ăn và nhiều hủ tục lạc hậu khác.

Trẻ tiếp bước

Gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình trong công tác xã hội, khéo léo vận động quần chúng là nhận xét của người dân buôn Ea Liăng (xã Cư Pơng) khi nói về nữ trưởng buôn trẻ tuổi H’Liên Niê (SN 1990). Buôn Ea Liăng có 7 dân tộc cùng sinh sống với 225 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Ê Đê chiếm đa số, với 171 hộ.

Chị H’Liên chia sẻ, tốt nghiệp khoa Sư phạm Ngữ văn, ra trường không xin được việc, chị về nhà làm nương rẫy và tích cực tham gia các hoạt động của buôn, xã tổ chức. Chị được bà con tín nhiệm bầu làm buôn trưởng đầu năm 2022.

Chị H’Liên Niê (phải) luôn gần gũi thăm hỏi bà con trong buôn

Chị H’Liên Niê (phải) luôn gần gũi thăm hỏi bà con trong buôn

Với cương vị là trưởng buôn, sinh sống ở địa phương, hiểu rõ cuộc sống, tập tục của bà con, lợi thế là người Êđê nên H’Liên dễ dàng tiếp xúc, nói chuyện với mọi người. Khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động chị thường tiếp cận chị, em để dễ dàng trao đổi, tâm sự và đây cũng là một lợi thế bởi người Êđê theo chế độ mẫu hệ.

“Phải đặt bản thân vào trường hợp của bà con thì họ mới gần gũi, chia sẻ tự nhiên. Tôi được dân tin tưởng, mỗi khi có chuyện, vấn đề gì bà con đều gọi báo. Khi đi vận động, phân tích cho người dân hiểu và tin. Ở đây, bà con chủ yếu làm cà phê, cuộc sống tuy còn nhiều vất vả, nhưng mọi người đều chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế. Phải thấu hiểu cuộc sống của dân mới giúp họ tìm cách thoát nghèo được. Và quan trọng, phải gần dân, giúp dân và làm gương trước”, chị H’Liên nói.

Năm 2023, chị H’Liên là một trong số 5 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo ông Y Nhất Mlô, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng, xã có hơn 70% đồng bào DTTS, chủ yếu người Êđê và Gia Rai. Những năm kháng chiến, đồng bào các dân tộc nơi đây một lòng theo cách mạng, cống hiến sức người, sức của cho kháng chiến. Năm 1994, Cư Pơng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ một xã đặc biệt khó khăn, nay Cư Pơng là xã khu vực II, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 7%, chủ yếu hộ nghèo đồng bào DTTS. Tình hình an ninh trật tự ở địa phương luôn ổn định, tư tưởng chính trị của người dân vững vàng.

Có thể bạn quan tâm