Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chuyển đổi số năm 2021 của Gia Lai xếp thứ 39/63 tỉnh, thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 24-11, tại TP. Pleiku, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng đồng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh để đánh giá về kết quả chuyển đổi số năm 2022 cũng như đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Sau khi được kiện toàn, các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã tham mưu theo các chủ trương, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhờ đó, điều kiện sẵn sàng và mức độ chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ so với trước. Hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước đã được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hoạt động xây dựng chính quyền điện tử. Nhiều hệ thống dữ liệu chuyên ngành được các đơn vị, địa phương triển khai, đưa vào sử dụng hiệu quả, từng bước triển khai tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu để góp phần hình thành nền tảng dữ liệu số cho phát triển chính quyền số của tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Linh
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Linh

Bên cạnh đó, công tác an toàn, an ninh mạng luôn được quan tâm. Hoạt động phát triển kinh tế số, xã hội số cũng được quan tâm triển khai. Đến nay, 100% doanh nghiệp trong tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; trên 850 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử; tỉnh cũng đã phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Ở lĩnh vực phát triển xã hội số, hạ tầng và dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển cả về số lượng và chất lượng. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được kết nối cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động, thiết bị thông minh đạt hơn 61% dân số trưởng thành và đã từng bước tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số phục vụ đời sống…

Theo đánh giá xếp hạng chuyển đổi số năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Gia Lai đứng thứ 39/63 tỉnh, thành, xếp thứ 3/5 tỉnh Tây Nguyên; chính quyền số đứng thứ 42/63, kinh tế số đứng thứ 48/63, xã hội số đứng thứ 43/63. 

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phương Linh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phương Linh

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực; đồng thời đề xuất các nội dung cần tập trung cũng như những giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong năm 2023. Trong đó, các thành viên cho rằng cần phải có sự thống nhất về một số chính sách từ trung ương đến cơ sở để tạo sự đồng bộ, thống nhất chỉ đạo; các sở, ngành cần rà soát lại các thủ tục hành chính còn rườm rà, không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp… 

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long-Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh yêu cầu: Chuyển đổi số phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hướng tới lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của chuyển đổi số. Trong quá trình hình thành cơ sở dữ liệu, cần phải lựa chọn thông tin, số liệu để tích hợp cho phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Ban Chỉ đạo tỉnh cũng như của các sở, ngành, địa phương cần phải chi tiết, cụ thể, xác định rõ lộ trình để thúc đẩy công tác chuyển đổi số chung của tỉnh. 

PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm