“Chuyện lạ” ở Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Lần đầu tiên trong “lịch sử”, Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa tiếp nhận cùng lúc 4 ca triệt sản đến từ làng Kon Song Lok, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa”- đó là thông tin ban đầu mà ông Nguyễn Văn Chính- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết về những bệnh nhân đặc biệt của mình.

Nói như ông Chính cũng không có gì là quá, bởi lâu nay Hà Đông được biết đến là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, nơi có 99% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện (xấp xỉ 60%), dân số tăng nhanh nhất huyện. Từ nhiều năm nay, mặc dù đã tích cực tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhưng đến bây giờ mới có “chuyện lạ”-những người phụ nữ Bahnar đầu tiên “dũng cảm” đi triệt sản.

Cùng phận… con đông

 

Gia đình anh Sic-chị Hyai nheo nhóc với 8 đứa con, anh chị quyết định lên Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa để triệt sản. Ảnh: M.T
Gia đình anh Sic-chị Hyai nheo nhóc với 8 đứa con, anh chị quyết định lên Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa để triệt sản. Ảnh: M.T

Sáng cuối tuần nên không khí ở Trung tâm Y tế huyện khá vắng lặng, nhưng liên chuyên khoa Ngoại-Sản của Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa lại khá rộn ràng bởi sự có mặt của những bệnh nhân đặc biệt. Bốn người phụ nữ, bốn gia đình khác nhau nhưng có cùng một điểm chung là nghèo và rất đông con. Họ tự nguyện đến đây để triệt sản, một hành động không thường thấy ở những phụ nữ Bahnar.

Dù vết mổ vẫn chưa lành hẳn nhưng chị Hyai vẫn cố gượng dậy để dỗ dành đứa con út được mang theo cùng bố mẹ. Đứa trẻ nhỏ thó, cơ thể gầy nhom, bé tí tẹo như chực muốn rớt ra khỏi vòng tay người mẹ. Cố tìm chút sữa mẹ từ đôi bầu vú teo tóp, kiệt quệ nhưng không thấy gì nên đứa trẻ quay mặt đi, lấy tay đẩy ra rồi khóc ngằn ngặt. Khó có thể tin rằng người phụ nữ gầy yếu trước mặt tuy mới 38 tuổi nhưng đã có đến… 8 mặt con.

Đứa lớn 21 tuổi, còn đứa nhỏ đang khóc kia mới được 17 tháng tuổi, bị suy dinh dưỡng nặng, mấy hôm nay còn bị tiêu chảy nên phải chuyển sang nằm ở Khoa Nội. Nhà nghèo, “làm cái rẫy lúa chút chút không đủ ăn”-nói như anh Sic, chồng chị; có hơn 2 sào mì cho thu nhập mỗi năm cũng chỉ được từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, trong khi con cái thì nheo nhóc. Bữa cơm gia đình thường chỉ có cơm trắng, muối và lá mì, đôi khi là bắp chuối, ngay cả cá khô cũng không có ăn. Quần áo thì cũng chỉ được vài bộ, đứa lớn mặc xong rồi tiếp đến đứa bé…

Những đứa trẻ cứ thế mặc nhiên tồn tại. Nhưng điều đó không quan trọng chút nào, bởi anh Sic vẫn rất… vô tư: “Gặp gì ăn nấy, không cần thịt cá cũng đẻ được mà!”.  

Cùng phận đông con như chị Hyai, chị Le năm nay 41 tuổi và cũng có 8 đứa con. Đứa đầu 24 tuổi, đã lấy chồng, còn đứa con chị đang ẵm trên tay chỉ mới hơn 7 tháng tuổi. Nhìn chị có vẻ khá hơn, đang đi lại trong phòng cho con bú. Chị Le cho biết: Đẻ nhiều là khổ, không đủ ăn, cán bộ dân số thường xuyên đến nhà vận động nên mới đi triệt sản. Tiếp đến là chị Theo, 38 tuổi, có 5 đứa con.

Đứa lớn nhất 18 tuổi, học hết lớp 6, mới vừa lấy vợ, đứa nhỏ nhất được 12 tháng tuổi đang nằm cùng chị trên giường bệnh. Anh Lip chồng chị kể: Làm rẫy không đủ ăn, nhà có 3 sào bời lời, lúc thì có bán lúc thì không. Gia đình chị Huach-anh Dao, 38 tuổi, cũng có 5 đứa con, đứa lớn 15 tuổi, nhỏ thì 7 tháng tuổi. Nhà có 3 sào rẫy trồng mì thu nhập một năm cũng chỉ được 2-3 triệu đồng, chỉ có 1 sào lúa nên làm cũng không đủ gạo ăn. Con thì không đứa nào chịu đến trường, khổ quá nên quyết định đưa vợ đi triệt sản.

Tác giả của “chuyện lạ”

Mấy ngày nay, đi cùng các gia đình này là một cô gái trẻ luôn túc trực bên giường bệnh chăm sóc, lo cho các chị chuyện ăn uống, đôi lúc còn chăm sóc cả những đứa trẻ. Cô gái đó là Lê Thị Mười-cán bộ dân số xã Hà Đông, tác giả chính của câu “chuyện lạ”. Trò chuyện với chúng tôi, chị Mười cho hay: Mấy ngày nay theo chân các chị ở xã Hà Đông lên Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa vừa chăm sóc vừa chờ cho sức khỏe ổn định, vết mổ lành hẳn, cắt chỉ xong thì đưa họ về.

Ở một vùng đất như Hà Đông, để viết nên một “chuyện lạ” như thế này quả thật không hề dễ dàng. Bởi trình độ dân trí còn thấp, người dân hiền lành, nhút nhát, khó tiếp cận, tập quán sinh đông con vẫn tồn tại, gây khó khăn cho cán bộ dân số khi tư vấn, tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình. Theo thông tin từ Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Đak Đoa, Hà Đông có 823 hộ với 4.390 nhân khẩu nhưng có đến… 251 hộ có từ 3 đến 5 con (chiếm tỷ lệ 30,5%), đặc biệt có đến 145 hộ từ 6 con trở lên (17,6%).

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Gia Lai, tháng 7-2011 chị Mười xin về làm cán bộ dân số ở xã Hà Đông (trước đó xã chỉ có cán bộ bán chuyên trách) trong điều kiện gia đình “mỗi người một phương”: Chồng công tác ở xã Ia O, huyện Ia Grai, vợ thì ở xã Hà Đông, con 4 tuổi phải gửi cho bà ngoại ở huyện Krông Pa chăm sóc. “Dù biết là khó khăn nhưng xác định đã làm ngành Y tế, chỗ nào có bệnh nhân thì mình đến”-chị Mười tâm sự.

Nhìn những ngôi nhà sàn lụp xụp, thiếu thốn, những đứa trẻ nheo nhóc vì bố mẹ sinh quá dày và quá nhiều, chị có thêm quyết tâm tự học tiếng Bahnar, đầu tư nhiều thời gian, công sức để tiếp cận và vận động người dân tham gia kế hoạch hóa gia đình. Để tạo cảm giác gần gũi, chị thường xuyên xuống làng, nếu thăm hộ nào thì mua gói bánh, cây kẹo cho con họ rồi từ từ tìm cách vận động.

“Cũng có khi bị nhiều gia đình né tránh, từ chối không tiếp. Khi đó tạm thời mình ra về rồi sẽ quay lại vào một hôm khác cùng với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các đoàn thể để cùng phối hợp vận động, thuyết phục”.

“Công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình đối với người dân Hà Đông không phải là việc một sớm một chiều mà phải kiên trì từ năm này sang năm khác theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì mới có kết quả, vì vậy công tác này vẫn rất cần sự phối hợp của nhiều kênh tuyên truyền, của các ban ngành, đoàn thể thì mới từng bước góp phần làm thay đổi được nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây”- chị Lê Thị Hương-Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Đak Đoa, chia sẻ.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm