Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chuyện thú vị về cây nêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với người Việt, cây nêu là cột mốc chủ quyền, là lá bùa trấn trạch trong mỗi gia đình, mỗi con người trước cái ác, cái đen tối, xấu xa. Đó là biểu tượng đem đến sự may mắn, an lành trong một năm mới!
Ảnh: internet
1.Theo truyền thuyết của người Việt, cây nêu là ý chí chủ quyền đất đai trước quỷ dữ. Xa xưa, quỷ và người lẫn lộn. Quỷ thường tranh đất, đòi con người cống nạp nông sản. Người lam lũ quanh năm không đủ ăn, lại bị trấn lột muôn phần. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài giữa cái thiện và cái ác. Trong cuộc đấu tranh khó phân thắng bại ấy, một ngày người được Phật tổ bày cho kế sách đàm phán với quỷ. Theo kế đó, người chỉ lấy phần đất được che bóng bởi chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Tưởng vậy là quá ít, chẳng đáng phải lo ngại, quỷ gật đầu ưng thuận ngay. Đến khi ra thực địa, Phật đã giúp cho bóng áo cà sa trải rộng khắp nơi. Hết đất, cùng đường quỷ phải trốn ra bể Đông, với lời cầu xin, ngày Tết thì cho quỷ mò về thăm mồ mả tổ tiên.
Từ đó, người Việt có tục “lên nêu” (còn gọi là trồng cây nêu) vào ngày 23 tháng Chạp. Người ta chọn cây tre cao 5-6 m, róc sạch cành để một túm lá tận cùng ngọn. Tre được chôn chặt gốc xuống đất. Trên nêu treo phướn có ghi câu đối đỏ, một số vật dụng, ngoài ra còn treo khánh đất phát âm thanh như chuông gió, khẳng định lãnh thổ chủ quyền. Đó là cây nêu đuổi quỷ, cây nêu phân định ranh giới, báo cho tà quỷ biết đất đã có chủ, không được đến quấy nhiễu... Đây là một phong tục có hàm nghĩa triết lý sâu xa. Cây nêu với sắc màu và âm thanh đặc trưng đã góp phần làm cho ngày Tết của người Việt thêm hương vị ấm áp. Nó tạo cho mỗi gia đình một niềm tin ở những điều an lành tốt đẹp.
2.Ở Tây Nguyên, các dân tộc thiểu số lại dùng cây nêu phổ biến trong các lễ hội. Cây nêu thường là một thân cây lồ ô hoặc cây gỗ cao, có khắc hoa văn. Bốn bên có bốn trụ thấp hơn, thường là cây pơ lang, chôn rất vững chắc, trên đó gắn bốn cây le, có tua hoa. Đây là cột giao cảm giữa người và thần linh.
Trong nhiều lễ hội Tây Nguyên, thường có đâm trâu. Mỗi cuộc đâm trâu như vậy luôn để lại những cây pơ lang. Cây sẽ sống, đâm rễ xuống đất, vươn cành xanh lá lên trời. Tháng ba, pơ lang trổ hoa đỏ cả lưng đồi, mời gọi chim chóc về buôn làng ca hát. Ở đâu có nhiều cây pơ lang, ở đó cuộc sống của dân làng thực sự sung túc. Vì vậy, pơ lang là niềm tự hào của cả khu dân cư. Cũng vì vậy, pơ lang trở thành một thứ cây đơm hoa mùa xuân gần gũi ấm áp trong lòng dân Tây Nguyên qua nhiều thế hệ!
3. Nhân đây, kể thêm chuyện người Trung Quốc, từ cổ đại đã biết dùng “cây nêu đo bóng” (khoảng 800 năm trước Công Nguyên). Từ cây nêu thẳng đứng được gắn vào một tấm đồng, có rãnh nước cân mặt bằng, gọi là “thổ khuê”, người ta đã làm ra rất nhiều công chuyện kỳ tài. Với cây nêu ấy, họ có thể đo bóng để định giờ trong ngày, như một chiếc đồng hồ khá chính xác với những ngày nắng. Cũng từ đó, họ có thể xác định được ngày Đông chí, Hạ chí, Xuân phân, Thu phân. Họ có thể tạo cơ sở để làm lịch số. Cũng với cây nêu, họ có thể tính được độ lệch của Đường Hoàng Đạo.
Đặc biệt, với cây nêu, họ có thể đo bóng để xác định chiều cao từ mặt đất lên mặt trời (theo cách tính các cạnh tam giác vuông). Người ta tính cứ 1.000 dặm về Nam, bóng nêu (trên cùng 1 kinh tuyến) giảm 1 tấc. Đến lúc không còn bóng mặt trời, đó là điểm thẳng đứng với mặt trời. Từ đó người ta tính được khoảng cách giữa mặt đất và mặt trời là 100.000 dặm...! Đặc biệt hơn, người ta còn đo bóng cây nêu để tính khoảng cách giữa các tỉnh thành trên toàn cõi. Người Trung Quốc cổ đại cho rằng, một tấc bóng, tương đương 1.000 dặm. Họ còn dùng cây nêu để biết được trời sao.
 PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm