Nếu có một nơi mỗi người nên đến để kiểm chứng sự phẳng lặng của lòng mình thì với tôi nơi đó là Huế.
Hoàng hôn cầu ngói Thanh Toàn |
Không nên đến Huế khi đang say sưa mải miết với lạc thú trần gian bỗng muốn đổi gió tìm kiếm trải nghiệm ở chốn rêu phong trầm mặc. Bạn sẽ dễ dàng tìm được thôi - trong bóng dáng thướt tha của tà áo dài trước cổng trường Quốc học, trong làn khói nghi ngút hương bún bò chiều mưa lạnh từ gánh bún ven đường của các o các mệ hay vị ngọt lịm của những ly chè rực rỡ. Cái bụng đói sẽ được lấp đầy, đôi mắt kiếm tìm cái đẹp sẽ ngây ngất, nhưng e rằng, rất nhanh chóng sau sự thỏa mãn đó, sự tĩnh mịch của Huế sẽ vượt quá sức chịu đựng của bạn. Ngược lại, cũng đừng đến Huế khi quá chán nản buồn bã. Dường như trong từ điển tiếng Việt có bao nhiêu từ mô tả sắc thái “buồn” thì người ta đều có thể tìm được ở Huế từng ấy cung bậc: từ bâng khuâng, man mác, u hoài, trầm mặc đến ủ dột, não nề, ảm đạm, u uất…
Ai cũng có thể đến Huế để thử nhấm nháp hương vị của vô thường, nhưng lý tưởng nhất là những ai đã nhen nhói trong mình tư tưởng buông xả và từng bước gần hơn với Phật trong tâm. Để nhẹ nhõm trước những đớn đau và bình thản với những đổi thay. Để cho qua những gì đã qua và thôi sợ những gì chưa tới. Để chung sống hòa hợp như một phần của thiên nhiên chứ không phải chủ thể của tự nhiên. Sự hòa hợp ấy thể hiện ở từng ngóc ngách hơi thở của Huế: từng ngôi nhà dù nằm trên miếng đất thế nào cũng luôn dành không gian đáng kể cho vườn tược cây cối nên khắp thành phố đều mướt mát màu xanh, cách vài đoạn lại bắt gặp một chiếc cầu bắc qua nhánh sông nhỏ mời chào sang thôn xóm êm đềm khác. Không chỉ cân đối trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên mà còn là thái độ giữa con người với công việc, con người với con người. Hiếm có hàng quán nào mở cả ngày, chung một địa điểm có thể đến hai ba hàng bán các khung giờ khác. Khách đông cỡ nào lượng bán ra vẫn không đổi, đến đúng giờ là nghỉ. Hàng ăn chay đông vào bậc nhất ở Huế nghỉ bán hàng vào ngày mùng 2 và 16 (tự thưởng sau mùng 1 và rằm bận rộn chăng?). Đặt chân vào một hàng ăn để chứng kiến sự từ tốn khi thưởng thức một trong bốn “tứ khoái” của loài người, ta sẽ hiểu thế nào là chừng mực điều độ chứ không phải làm nô lệ cho cái miệng.
Tới đây, ghé một ngôi chùa bất kỳ trên dọc đường vào một buổi trưa nắng gắt, bước qua cổng là được ôm ấp bởi từng lùm râm mát, hương hoa đại lành khiết và làn gió mát trong mang hơi nước từ ao thoảng hương hoa sen, hoa súng. Mọi tranh đấu giành giật bên ngoài hay bên trong đều tự nguyện dừng cả lại. Mọi dữ dằn cay nghiệt đều phút chốc dịu xuống. Khổ đau đến mấy cũng được chữa lành trong không gian tĩnh tại đó. Đúng lúc ấy, ngước mắt lên là ánh mắt hiền từ của sư thầy bước qua, bố thí một nụ cười làm bừng sáng đầu óc mê muội của kẻ trần lạc lối.
Ngày cuối cùng ở Huế, tôi đạp xe loanh quanh Đại Nội, tạt qua Lục Bộ, ghé con ngõ nhỏ uống ly cà phê muối và tình cờ phát hiện ra giọng Bằng Kiều được bật trong nhiều quán xá, nhà vườn ở Huế. Nét sang trọng xen lẫn hoài cổ, thanh âm trong veo lấp lánh nỗi buồn mà ung dung bình thản đã hòa quyện hoàn hảo với cảnh sắc và nhịp sống nơi đây: nét điềm nhiên của phố cổ Bao Vinh, tiếng hát vu vơ cất lên vào lúc hoàng hôn trên chiếc cầu ngói sau buổi tan trường, một Vỹ Dạ êm ả vẫn óng ánh từng đợt nắng hàng cau trong thơ Hàn Mặc Tử, âm thanh an lành từ chiếc chuông gió vọng ra ao cá trước khu mộ thái giám tại chùa Từ Hiếu, hồ sen thơ mộng trong Khiêm Lăng của vị vua - thi sĩ mà theo Hoàng Phủ Ngọc Tường “nét ung dung, thảnh thơi từ cõi sống sang cõi chết là một phẩm chất nhân văn của lăng Nguyễn và đấy cũng là phong thái nhẹ nhàng của người Huế đối diện với lẽ sinh tử vô thường của đời người”.
Nếu Đà Lạt lãng đãng sương hay được ví von với người tình mát lành thì tôi nghĩ Hội An hiền hòa giản dị như người bạn luôn đem đến cảm giác ấm áp chân thành. Và Huế thì là nàng thơ. Một nàng thơ đài các bí ẩn trong tà áo tím sau chiếc nón bài thơ. Một nàng thơ tư lự lãng đãng hoài niệm giữa rêu phong lăng tẩm. Một nàng thơ thanh thoát bước qua những đốm nắng trong veo khu nhà vườn Huế. Một nàng thơ mà mỗi khi nghĩ tới người ta chỉ ngây ngất mến thương mà chẳng bao giờ muốn sở hữu.
Sở hữu làm gì trong cõi vô thường này. Nụ cười của sư thầy là lời đáp trọn vẹn cho lẽ sống lý tưởng ta vẫn đang tìm kiếm: là cuộc sống mà người ta luôn có thể bắt sóng nhau dễ dàng bằng cách trao - nhận những ánh nhìn nhân từ, trao tặng nhau toàn bộ lòng từ bi, đón nhận bằng sự rạng rỡ của tâm hồn mà không cần bất cứ điều kiện nào.
Đỗ Thanh Thu (TNO)