(GLO)- Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng rất thích hợp với cây ăn quả nhờ thổ nhưỡng và thời tiết phù hợp. Thế nhưng, cách đây vài chục năm, bà con nông dân trong vùng chỉ quen trồng một số loại cây ngắn ngày như dưa hấu, dứa; hoặc dài ngày hơn thì cũng chỉ là mít, ổi… Hầu hết các loại cây trồng trên đất vườn khi đó đều là giống địa phương, tuy có khả năng chống chịu được một số sâu bệnh nhưng năng suất thấp, chất lượng kém, hiệu quả kinh tế không cao.
Ảnh minh họa, nguồn internet |
Những năm gần đây, nhiều địa phương trong vùng đã đưa vào trồng các loại cây ăn quả có chất lượng và năng suất cao như: sầu riêng, nhãn, xoài, bưởi… Hầu hết giống đưa vào trồng được chiết, ghép trên các cây đầu dòng. Tuy nhiên, do chưa qua sàng lọc, lựa chọn nên có giống phù hợp, có giống chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Đơn cử như đối với cây bưởi, các giống truyền thống của địa phương thường cho quả nhỏ và có vị chua, vỏ dày, ít sai quả. Tuy nhiên, các giống nổi tiếng ở phía Bắc như bưởi Diễn, Đoan Hùng, Thanh Trà, Phúc Trạch… đến nay vẫn chưa được bà con trong vùng đưa vào trồng trên đất vườn. Ngược lại, nhiều giống bưởi có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam như Năm Roi, da xanh đã có mặt tại Gia Lai. Vì sao như vậy? Theo người viết bài này thì trước hết là do giống bưởi thuộc các tỉnh, thành phía Bắc có trọng lượng và giá bán (lấy giá thời điểm tháng 12-2018) chưa hấp dẫn: bưởi Diễn có trọng lượng 0,8-1 kg/quả, mỗi cây cho trung bình 150 quả/vụ, giá khoảng 25 ngàn đồng/kg; bưởi Đoan Hùng đạt trọng lượng 0,8-1,2 kg/quả, mỗi cây cho trung bình 100-150 quả/vụ, giá dao động 25-35 ngàn đồng/quả. Còn các giống bưởi phía Nam như bưởi Năm Roi gốc Vĩnh Long, trung bình mỗi quả đạt trọng lượng 1,2-1,5 kg, mỗi cây cho đến 280-300 quả/vụ, giá trên 30 ngàn đồng/kg. Tuyệt nhất là giống bưởi da xanh trọng lượng mỗi quả 1,6-2 kg, giá bán trên 60 ngàn đồng/kg. Như vậy, mỗi quả bưởi da xanh có giá đến hàng trăm ngàn đồng nhờ chất lượng thơm ngon, hợp khẩu vị người dùng. Được biết, giống bưởi này cho trung bình 120-150 quả/cây/vụ nên mỗi cây có thể cho thu đến trên dưới 15 triệu đồng. Ấy là chỉ tính đến bưởi bình thường, chưa kể đến những quả bưởi da xanh được ép tạo hình trong quá trình sinh trưởng, phát triển còn có giá tăng lên gấp hàng chục lần khi phục vụ người mua trong các dịp lễ, Tết.
Sau bưởi, vú sữa Lò rèn, sầu riêng Ri6 cũng đang được bà con nông dân Tây Nguyên đưa vào cơ cấu cây ăn quả. Vú sữa Lò rèn gốc ở Tiền Giang, mỗi cây cho thu hoạch 1.000-1.500 quả/vụ, giá trên 70 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, vú sữa giống địa phương thường chỉ có giá trên dưới 20 ngàn đồng/kg.
Sầu riêng Ri6 hiện đang được bà con nông dân chú ý và rất được người tiêu dùng ưa thích bởi quả nhiều múi và chất lượng thơm ngon. Giống sầu riêng này gốc ở Thái Lan đã du nhập vào Việt Nam khá lâu, quả cho cơm vàng, hạt lại lép, thơm ngát, mỗi quả nặng trung bình 2-3 kg. Cây sầu riêng Ri6 cho thu hoạch khoảng 150 quả/vụ, bình quân mỗi héc ta sầu riêng cho thu đến 400-500 triệu đồng.
Thường người ta hay tính giá trị kinh tế trên mỗi héc ta đất mang lại. Nếu so với các giống cây ngắn ngày như đã nêu ở phần trên thì đất vườn trồng cây ăn quả cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần, thị trường tiêu thụ ổn định, đã vậy lại ít tốn công chăm sóc, thu hoạch. Đây là hướng phát triển kinh tế hộ bền vững, nhất là khi chúng ta biết quy hoạch, phân bổ các loại cây ăn quả trên đất vườn sao cho mùa nào thức ấy, thu hoạch quanh năm.
Thanh Phong