Thời sự - Bình luận

Cơ hội lớn cho kinh tế số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vậy là sau thời gian dài chờ đợi, công nghệ di động 5G chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam.

Viettel trở thành nhà mạng di động đầu tiên thương mại hóa 5G từ ngày 15-10-2024 trên quy mô toàn quốc.

Trước đó, từ ngày 13-10, nhà mạng VNPT VinaPhone đã bắt đầu cho phép thuê bao sử dụng thử nghiệm miễn phí 5G trong vòng một tháng tại các khu vực đã phủ sóng 5G. Tất nhiên, các nhà mạng sẽ phủ sóng 5G theo lộ trình phù hợp với mục tiêu kinh doanh, trước hết là tập trung cho những khu vực có mật độ người dùng và nhu cầu sử dụng cao.

Vấn đề là sử dụng 5G sao cho có hiệu quả tối ưu? Từ lâu, các chuyên gia đã lưu ý: Việc nâng cấp lên 5G hoàn toàn không phải chỉ nhằm tăng tốc độ truy cập để nâng cao hơn nữa chất lượng nghe gọi và các dịch vụ di động, dù đương nhiên các tác vụ và dịch vụ này đều sẽ được nâng cao chất lượng nhờ những ưu điểm của 5G.

Việc thương mại hóa 5G ở Việt Nam là một tin vui cho những người đang sở hữu các thiết bị hỗ trợ 5G. Những chiếc smartphone 5G đầu tiên đã có mặt tại thị trường Việt Nam ngay từ khi Việt Nam bắt đầu tiến hành thử nghiệm mạng 5G vào năm 2020. Trong vài năm trở lại đây, số lượng smartphone 5G ra mắt ở Việt Nam ngày càng nhiều, hầu như thương hiệu lớn nhỏ nào cũng có. Thậm chí cũng đã có những smartphone 5G ở phân khúc giá rẻ. Chỉ có điều bao năm nay, đó là những thiết bị "5G bỏ túi" nằm chờ, "có cũng như không".

Cái chính là công nghệ 5G được phát triển là cho những mục đích cao hơn, xa hơn. 5G có các ưu thế như tốc độ cực nhanh - có thể gấp đến 10 lần so với 4G, độ trễ cực thấp - có thể đạt 1 ms so với 30 ms của 4G, cho phép nhiều thiết bị kết nối cùng một lúc hơn. Nhờ vậy, 5G cho phép người dùng tận hưởng trải nghiệm xem video mượt mà, chơi game trực tuyến không giật lag và sử dụng các ứng dụng thông minh với hiệu suất cao nhất có thể.

Hơn thế nữa, 5G cũng mở ra cơ hội mang đến nhiều ứng dụng tự động hóa (trong đó có xe không người lái), giám sát và điều khiển tự động và quản trị thông minh cho các doanh nghiệp, nhà máy, cảng biển, các ứng dụng y tế, giáo dục từ xa... Đặc biệt, 5G chính là nền tảng kết nối cho các thiết bị internet vạn vật (IoT) và ngay cả trí tuệ nhân tạo cho vạn vật (AIoT). Với 5G, các ứng dụng AI trên thiết bị di động mới thật sự phát huy tối đa ưu thế.

Có 2 vấn đề với việc thương mại hóa 5G. Một là, về phía các nhà phát triển ứng dụng và người dùng tổ chức, doanh nghiệp. Họ phải phát triển và khai thác các ứng dụng 5G để nâng cấp, tăng cường các hoạt động của mình. Không khai thác thế mạnh của 5G chính là bỏ lỡ cơ hội "vàng" dựa trên công nghệ.

Hai là, các nhà mạng di động phải xây dựng các gói cước đa dạng với chi phí hợp lý để đưa 5G tới tận tay mọi người dùng. Phủ sóng rộng 5G không có nhiều ý nghĩa nếu như chỉ ít người có thể sử dụng. Những ai đang cần trải nghiệm và ứng dụng AI trong cuộc sống và công việc của mình chắc chắn không thể bỏ lỡ 5G.

Đây là cơ hội lớn cho nền kinh tế số nếu chúng ta khai thác được tối đa lợi ích từ 5G.

Theo PHẠM HỒNG PHƯỚC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm